Lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ
Hiện đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế để chây ỳ, không nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Sẽ rà soát các doanh nghiệp nợ thuế lớn
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan Thuế cả nước đã đôn đốc thu hồi nợ được 15.222 tỷ đồng. Con số này bằng 44,6% chỉ tiêu thu nợ được giao, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. Qua rà soát sơ bộ, số lượng người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ là 843.000 trường hợp; số nợ thuế khoanh là 22.000 tỷ đồng; số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp xóa là 16.000 tỷ đồng.
Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế)
Ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế) cho biết, để đảm bảo công bằng, minh bạch, cơ quan Thuế đã rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế đã rà soát 6.300 doanh nghiệp nợ thuế trên 1 tỷ đồng, với tổng số tiền thuế nợ là 60.800 tỷ đồng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, nợ thuế trong những tháng đầu năm có xu hướng tăng lên, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội.
“Nhiều người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN). Một nguyên nhân khác, đó là Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng, nhưng người nộp thuế chưa nộp kịp thời giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế, làm phát sinh số nợ tiền thuế và tiền chậm nộp tăng lên”, ông Đoàn Xuân Toản cho biết.
Ngoài ra, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, đã xuất hiện tình trạng một số người nộp thuế thực hiện kê khai phát sinh thuế phải nộp, tuy không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, nhưng lấy lý do vì dịch bệnh chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN.
“Do cả hệ thống chính trị tập trung vào nhiệm vụ số một là phòng chống virus Corona, nên có không ít doanh nghiệp đang nợ thuế “ăn theo” dịch bệnh, cố tình chây ỳ nợ thuế”, ông Toản thông tin.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trường hợp cố tình chây ỳ
Trước tình hình nợ thuế có chiều hướng tăng, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sẽ chỉ đạo các cục thuế thực hiện rà soát, xác định cụ thể, chính xác đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với các trường hợp này, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tháo gỡ ngay những khó khăn cho người nộp thuế, giúp người nộp thuế ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hướng dẫn kịp thời người nộp thuế lập giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để được hưởng chính sách của Chính phủ; thực hiện xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế đã rà soát 6.300 doanh nghiệp nợ thuế trên 1 tỷ đồng, với tổng số tiền thuế nợ là 60.800 tỷ đồng
Cơ quan Thuế các cấp cũng đã đẩy mạnh việc ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi người nộp thuế để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế cho người nộp thuế. Trong 6 tháng đã ban hành 19,6 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, đạt 100% số lượng phải ban hành.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, ngành Thuế đã kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng chây ỳ, nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tái tài sản, bỏ trốn. Cụ thể, trong 6 tháng đã ban hành 61.800 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 9.000 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 745 quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ ba nắm giữ; 14.800 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công khai 76.400 doanh nghiệp chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, thời gian tới, ngành Thuế sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính trong toàn ngành Thuế, từ đó đảm bảo việc xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, tránh trục lợi, thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng sẽ tổ chức rà soát sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý nợ thuế và quy trình cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo phù hợp với tổ chức bộ máy của cơ quan Thuế các cấp theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, các văn bản hướng dẫn Luật và thực tế công tác quản lý nợ./.
Sớm hoàn thiện thông tư hướng dẫn xử lý nợ
Qua tìm hiểu được biết, hiện Tổng cục Thuế đang khẩn trương phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) trình Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế cho người nộp thuế theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Thông tư gồm 6 Chương, 25 Điều và 24 phụ lục mẫu biểu, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
“Trong khi chờ Bộ Tài chính ban hành thông tư, để các cục thuế kịp thời tổ chức triển khai xử lý nợ thuế, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế và giảm nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế lưu ý một số nội dung các cục thuế cần phải triển khai ngay việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp đủ điều kiện khoanh nợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” - ông Toản nói.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm