Lắp đặt hệ thống cống thu gom nước thải hồi sinh sông Tô Lịch
Sau hơn 6 tháng thi công, đến nay một số đoạn của gói thầu xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt đã hoàn thành xong công đoạn chôn ống và làm kè bê tông.
Hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch có chiều dài 21 km, trong đó có hơn 11 km đi ngầm dưới lòng sông (từ đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, đến cầu Quang, huyện Thanh Trì).
Công trình xây dựng hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch do một nhà Nhật Bản triển khai bằng công nghệ khoan kích ngầm. Đây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội, bảo đảm việc thi công các hạng mục cống thoát nước có độ sâu dưới 5 mét không làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận, không cần giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới giao thông và sinh hoạt của người dân trong khu vực dự án.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, trong quá trình rà soát thiết kế dự án đã điều chỉnh phương án đặt cống từ dưới lòng đường hoặc hai bên bờ sông xuống dưới lòng sông. Việc này được cho là giúp giảm thiểu xung đột hệ thống công trình ngầm và không phá vỡ công trình, tiện ích, hạ tầng đô thị hiện có.
Theo Giám đốc Ban quản lý Nguyễn Văn Hùng: "Để không phải giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, gói thầu được thiết kế trên cơ sở tiếp cận toàn bộ công nghệ khoan kích ngầm. Đây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội".
Ông Hùng đánh giá, việc đào ngầm ở độ sâu 6-19m giúp giảm thiểu rủi ro, mất an toàn trong thi công so với đào mở.
Hệ cống gom nước thải dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là một trong 4 gói thầu xây lắp của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội (nhà máy nước thải Yên Xá đặt ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).
Dự án được khởi công năm 2016, bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài trên 52 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 16.000 tỉ đồng.
Sau bốn năm khởi công, hiện gói thầu số một xây Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang thi công bể phản ứng bùn hoạt tính, bể lắng thứ cấp, trạm bơm nước thải đầu vào, cống xả, nhà máy xử lý bùn, nhà xử lý nước tái sử dụng...
Gói thầu số 2 và 3 xây hệ thống cống gom nước thải ở sông Tô Lịch và sông Lừ được động thổ cùng ngày 18/5/2020.
Gói thầu số 4 xây hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới, hiện nhà thầu đã thi công các hạng mục đào mở (hai tuyến cống tại Học viện quân y và Khu đô thị Đại Thanh).
Ban quản lý dự án cho hay, đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của dự án.
Việc đặt hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp “hồi sinh” sông Tô Lịch. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc đặt cống gom nước thải sông Tô Lịch đã được nêu ra từ nhiều năm trước. Việc các dòng sông phải tiếp nhận nước mưa, nước thải sinh hoạt cùng nhau sẽ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, khi không phải nhận nước thải nữa, chắc chắn sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét sẽ cải thiện, trong xanh hơn. Tuy nhiên, nói là giải quyết tận gốc vấn đề thì chưa hẳn, bởi tận gốc ô nhiễm phải từ các dòng sông phía Tây, trong đó có sông Hồng.
Lý giải rõ hơn về vấn đề này, PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, môi trường cảnh quan sông Tô Lịch cần thiết phải cải tạo bằng các giải pháp thu gom toàn bộ nước thải để xử lý. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cũng cần phải chú ý tạo dòng chảy và tăng cường quá trình tự làm sạch trong sông về mùa khô bằng giải pháp bổ sung nước sạch.
"Biện pháp dẫn nước sông Hồng để bổ xung nước cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ là giải pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà TP.Hà Nội đang triển khai. Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ xung cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết” - PGS. TS Trần Đức Hạ cho biết thêm.
Sông Tô Lịch có chiều dài 14,4km bắt đầu từ hồ Tây chảy qua chợ Bưởi, cầu Giấy, cầu Mới và đổ vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Quá trình đô thị hóa ngày càng thu hẹp đất nông nghiệp hai bên bờ sông Tô. Nhiều ao, hồ nước đã từng đóng vai trò gom nước thải sinh hoạt, lọc, trung chuyển nước thải trước khi đổ ra sông đã bị lấp...
Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, có 2 lý do khiến sông Tô Lịch trở nên ô nhiễm và dần khô cạn. Một là do tự nhiên, sông Tô Lịch là phụ lưu của sông Hồng, nước sông Tô Lịch không đủ mạnh để cuốn trôi bồi tích lắng đọng. Hai là do mức độ phát triển và đô thị hóa ngày càng nhanh, nước thải chưa qua xử lý từ các khu công nghiệp, bệnh viện, làng nghề và nước thải sinh hoạt của cư dân được xả thẳng ra sông cùng với việc xả rác trực tiếp trong thời gian dài.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch, TP.Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng này. Năm 2018, vào năm Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Đến năm 2019, Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản hay Redoxy3C... cũng được tiến hành thử nghiệm trên sông Tô Lịch. Tuy nhiên, những dự án này chưa giải quyết triệt để vấn đề khi nước thải vẫn được xả trực tiếp vào lòng sông.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường