'Làm sạch biển' - Hành động vì Việt Nam xanh
Ô nhiễm đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Kỳ vọng vào chương trình “Làm sạch biển”, trong 5 năm tới môi trường biển Việt Nam có sự thay đổi tích cực, trong lành hơn và sạch đẹp hơn.
Ô nhiễm nhựa đại dương được coi là vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, sau biến đổi khí hậu. Đây được coi là cuộc khủng hoảng cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới.
Kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu quản lý biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho thấy, trên 50% tổng lượng chất thải nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực biển Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Trong đó, Việt Nam là nước có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng thải ra biển Đông dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới.
Đặc biệt tại một số địa phương ven biển, rác thải nhựa đã trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Theo đánh giá hoạt động thu gom rác thải trôi nổi ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Nam và Bà Rịa Vũng Tàu - TP.HCM trong khuôn khổ Dự án thực hiện năm 2010-2013 của Cục Điều tra và Kiểm soát tài nguyên môi trường biển, khu vực ven bờ biển của các vùng này có rất nhiều loại chất thải trôi nổi trên biển từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, đến chất thải từ các hoạt động nông nghiệp, bệnh viện. Ngoài ra còn có các chất thải từ những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, từ giao thông vận tải trên biển, tảo độc, sinh vật từ các khu vực biển bị ô nhiễm phú dưỡng…
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng.
Chương trình “Làm sạch biển” được phát động và sẽ bắt đầu triển khai tại tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 8/2022. Chương trình kéo dài 5 năm trên toàn bộ dải ven biển Việt Nam với tại 28 tỉnh, thành phố có biển.
Mục tiêu chính của chương trình là thực hiện thu gom, dọn sạch rác thải biển, tìm ra các phương án xử lý rác thải phù hợp và tổ chức lắp đặt thêm những thùng rác công cộng tại các bãi biển nhằm khuyến khích khách du lịch tại địa phương bỏ rác đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó, chương trình cũng hướng đến tính nhân văn sâu sắc như nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề rác thải, kêu gọi mọi người chung tay hành động bảo vệ môi trường biển, tạo phong cách sống xanh nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu, đồng thời quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp và phát triển bền vững.
Theo đó, các hoạt động chính của chương trình bao gồm: Thực hiện dọn sạch rác thải tại bãi biển của các tỉnh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý; tổ chức lắp đặt, trao tặng các thùng rác công cộng tại các bãi biển nhằm khuyến khích khách du lịch bỏ rác đúng nơi quy định; trao tặng những phần quà tới các gia đình, học sinh nghèo, cán bộ, chiến sĩ hải quân, biên phòng, các gia đình ngư dân vượt qua khó khăn, tích cực ra khơi bám biển; tổ chức chương trình nghệ thuật để tiếp tục lan tỏa thông điệp làm sạch biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển của cộng đồng.
Chia sẻ về chương trình “Làm sạch biển”, ông Trần Quốc Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án Nhân dân, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, vì vậy việc làm sạch biển cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp và của mọi người dân. Chương trình đặt ra mục tiêu góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường biển đến mọi tầng lớp nhân dân, để từ đó có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong việc bảo vệ môi trường biển.
Cùng với đó, hoạt động Chương trình “Làm sạch biển” lần này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; hưởng ứng kế hoạch hành động quốc gia của Chính phủ về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn sự gia tăng của rác thải - vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, ngày càng gây hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Thông qua chương trình này, trong 5 năm tới môi trường biển Việt Nam có sự thay đổi tích cực, trong lành hơn và sạch đẹp hơn, ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường kỳ vọng.
“Làm sạch biển” sẽ đề cao tính hành động mạnh mẽ, quyết liệt để làm sạch môi trường biển Việt Nam theo hướng bền vững, đúng như slogan của chương trình là “Hành động vì Việt Nam xanh”.
Lan Anh