Lãi tăng 43%, Hòa Phát vẫn gánh nợ trên 57.000 tỷ đồng
Hết Quý I/2020, Tập đoàn Hòa Phát thu về trên 19.000 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng trên 43% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tiếp tục báo nợ với con số khủng lồ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 mà Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố, doanh thu thuần có tập đoàn đạt 19.233 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kì năm ngoái; lợi nhuận gộp tăng 43,6% lên 3.763 tỷ đồng.
Đáng nói, tính tới 31/3/2020 Tập đoàn Hòa Phát đang phải gánh khoản nợ 57.046 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 4.263 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 401 tỷ đồng; tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát tăng gần 4.700 tỷ đồng trong ba tháng.
Theo số liệu kể trên, từ đầu tháng 4 năm ngoái tới nay tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát đã tăng 10.864 tỷ đồng.
Sản phẩm thép Hòa Phát
Năm 2019, Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận nợ phải trả vượt 50.000 tỷ. Cụ thể, nợ phải trả của doanh nghiệp này từ mức 37.600 tỷ đồng (ghi nhận cuối năm 2018) lên 53.989 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng hơn 16.000 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn là 26.984 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ so với đầu năm; nợ dài hạn là 27.005 tỷ, tăng gần gấp đôi với hồi đầu năm. Như vậy, nợ phải trả của Hòa Phát đang cao hơn vốn chủ sở hữu lên tới 12,9%.
Trong năm 2019, khoản hàng tồn kho của Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng từ 14.115 tỷ đồng, lên 19.411 tỷ đồng, tương đương tăng 37,5% so với hồi đầu năm. Chi phí bán hàng tăng từ 676.809 tỷ đồng lên 873.333 tỷ đồng, tương đương tăng 200.000 tỷ đồng so với đầu năm; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 100.000 tỷ, lên 569.005 tỷ đồng; chi phi khác lên tới 591.998 tỷ đồng…
Vậy nhưng khi nói về Dự án mở rộng Dung Quất, cái nhìn của giới tài chính vẫn hết sức lạc quan. Cụ thể theo Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng mức đầu tư của giai đoạn mở rộng rất lớn nhưng sẽ không tạo áp lực lớn lên Tập đoàn Hòa Phát. Doanh nghiệp dự kiến cấu trúc vốn cho dự án mở rộng này gồm 60% vốn tự có (vốn chủ sở hữu) và 40% từ nguồn vay. Theo tính toán của VNDirect, Hòa Phát có thể tích lũy được 22.756 tỷ đồng dòng tiền tự do (trước khi chi trả cổ tức) đến cuối năm 2023, tương đương với 73% tổng nhu cầu vốn tự có. Nếu nguồn vốn vay được giải ngân theo tiến độ 6 năm của dự án mở rộng, quy mô nợ/vốn chủ sở hữu của HPG giai đoạn 2023-2025 sẽ chỉ ở mức 9-16%, nằm trong ngưỡng an toàn.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm