0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 20/07/2020 13:18 (GMT+7)

Hà Nam: Khôi phục và bảo tồn nguồn gen Chuối ngự Đại Hoàng

Xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân, Hà Nam) không chỉ nổi tiếng với món cá kho làng Vũ Đại, mà còn có sản vật chuối ngự Đại Hoàng, còn gọi là chuối tiến vua.

Làng Đại Hoàng (được biết đến với tên “làng Vũ Đại” trong tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Nam Cao) ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nổi tiếng với đặc sản chuối ngự "tiến vua". Nếu như món cá kho là đặc sản cổ truyền do người dân làng Đại Hoàng tạo ra thì chuối ngự lại là đặc sản "tiến vua" được thiên nhiên nơi đây ban tặng.

Chuối ngự Đại Hoàng là giống chuối ngự được trồng tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (xưa là phủ Lý Nhân), từng là sản vật dùng để tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự. Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý cho khu vực các xã Hòa Hậu, Tiến Thắng.

Chuối ngự Đại Hoàng là giống chuối quý, được Nhà nước bảo tồn nguồn gen

Chuối ngự Đại Hoàng là giống chuối quý, được Nhà nước bảo tồn nguồn gen


Chuối ở làng Đại Hoàng nổi tiếng khắp vùng không chỉ ăn thơm ngon mà cách giấm chuối cũng rất an toàn. Người dân không dùng hoá chất, mà chỉ dùng trấu và tro "sưởi ấm" cho chuối chín. Chuối khi chín vỏ mỏng, ruột vàng, ăn ngọt dịu.

Chuối ngự Đại Hoàng có hai loại là chuối ngự trâu và chuối ngự mít. Chuối ngự mít quả nhỏ hơn chỉ bằng 2 ngón tay út chụm lại, ăn ngon hơn, ruột chuối vàng như múi mít và khi chín vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng do vậy cũng được gọi là chuối ngự tía.

Đặc thù của chuối Ngự là quả nhỏ, đẹp, vỏ mỏng, khi chín vàng thẫm. Chuối ngọt đậm và thơm. Đặc biệt chuối ngự không bao giờ bị nẫu. Chuối chín rất ngon để hàng tuần vẫn ngọt, vẫn thơm. Chuối ngự Đại Hoàng không có lõi, ruột dẻo, thơm ngon.

Chuối ngự Đại Hoàng được giấm chín một cách tự nhiên bằng hơi ấm trong lò từ tro và trấu, không dùng hóa chất

Chuối ngự Đại Hoàng được giấm chín một cách tự nhiên bằng hơi ấm trong lò từ tro và trấu, không dùng hóa chất


Theo bà Trần Thị Ngân, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ chuối ngự cho biết, trước năm 2000, giống chuối này có nguy cơ mất nguồn gen do không được đầu tư, chăm sóc đúng kĩ thuật và do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gió bão, vì vậy, diện tích bị giảm mạnh.

Song, từ năm 2001 đến nay, Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) đã hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kĩ thuật cho người dân ở địa phương, nên diện tích trồng chuối dần được khôi phục và tăng nhanh chóng. Hiện tại, toàn xã có khoảng 60ha trồng chuối ngự.

Cũng theo bà Ngân, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý vào năm 2009. Đây là sản phẩm thứ 17 được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc. Không những thế, chuối ngự tiến vua cũng đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Bởi, hình dáng mát mắt, màu sắc đẹp, chất lượng cao nên được nhiều khách hàng “săn” về ăn, làm quà biếu trong dịp lễ, tết.

Việc chuối ngự tiến vua được lọt vào top 50 trái cây đặc sản đã tạo cú hích lớn, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng. Qua đó, giúp địa phương có cơ hội mở rộng diện tích, thị trường và đẩy mạnh thương hiệu…

Khi chín, vỏ chuối có màu vàng óng như tơ và mỏng

Khi chín, vỏ chuối có màu vàng óng như tơ và mỏng


Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, ông Nguyễn Thành Thăng chia sẻ, chuối ngự Đại Hoàng là đặc sản quý hiếm của địa phương và cho giá trị kinh tế cao. Nhiều năm nay, địa phương luôn đẩy mạnh, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ông Thăng thừa nhận, từ khi chuối ngự được khôi phục, bảo tồn nguồn gen, diện tích trồng loại chuối đặc sản này đã tăng đáng kể. Nhiều cơ quan tổ chức thường xuyên về địa phương hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc cho bà con nông dân.

“Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đang được chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ, để sớm được chứng nhận là sản phẩm OCOP; nhằm đẩy mạnh thương hiệu, quảng bá rộng rãi hơn nữa tới người tiêu dùng và thị trường khó tính…”, ông Thăng bộc bạch.

Theo người dân xã Hòa Hậu, từ khi sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương ổn định, thuận lợi hơn nhiều.

Hiện, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã có tem, nhãn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đang được Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) thu mua, đưa vào hệ thống siêu thị để giới thiệu tới người tiêu dùng trên cả nước.

Cái tên chuối ngự hay chuối "tiến vua" là do loại chuối này từng được đưa vào cung dâng tiến Vua (đời nhà Trần thế kỷ XIII). Chuyện kể rằng vào thời Trần, hàng năm vua Trần cùng đoàn tùy tùng, xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) về hành cung Thiên Trường (tức Phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định ngày nay) yết kiến Thái Thượng Hoàng.

Một lần trên đường đi đến ngã 3 Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại, dân các làng đổ ra mừng đón, ai cũng mang của ngon, vật lạ dâng tiến Vua. Có một đôi vợ chồng nông dân nghèo ở làng Đại hoàng vì không có vật gì dâng tiến Vua nên rất lấy làm buồn.

Trong vườn nhà còn một buồng chuối họ bèn chặt hạ dâng Vua với niềm cung kính mong được nhà vua cảm thông. Nhà vua ăn thấy rất thơm ngon bèn ban thưởng và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để khắp nơi được cùng thưởng thức. Từ đó, loại chuối ở làng Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự, lưu truyền cho đến ngày nay.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hà Nam: Khôi phục và bảo tồn nguồn gen Chuối ngự Đại Hoàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới