Kon Tum: Mắc ca được nhiều địa phương xác định là cây trồng chủ lực
Cây Mắc ca đã và đang được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
Cây Mắc ca được đưa về trồng tại tỉnh Kon Tum bắt đầu từ năm 2012, đến nay phát triển được trên 360ha; trong đó, trồng thuần khoảng 250ha và trồng xen khoảng 110ha. Sản lượng thu bói ước đạt 30 tấn. Diện tích trồng xen chủ yếu trong vườn cà phê, cây ăn quả và hàng rào quanh vườn.
Các giống Mắc ca được trồng chủ yếu hiện nay tại Kon Tum là các dòng H2, OX, OC, DAD, A4, Quế Nhiệt; trong đó, ưu thế vượt trội là các dòng A38, OC, H2. Cây Mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tỉnh Kon Tum; diện tích trồng tại các huyện các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Đăk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy được đầu tư chăm sóc tốt, cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, ước năng suất từ 20 - 30 kg quả khô/cây.
Cây Mắc ca đang được xác định là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum |
Để tạo thêm hướng đi mới từ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, ngày 16/12/2020, UBND tỉnh Kon Tum và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Mắc ca trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng trong thời gian đến.
Trên cơ sở biên bản ghi nhớ, trong Quý I năm 2021, Sở NN&PTNT đã trực tiếp đi làm việc với UBND các huyện, thành phố để triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2021 đã được giao tại Quyết định số 1237/QĐ-UBND, ngày 10/12/2020 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; trong đó có chỉ tiêu phát triển mới cây Mắc ca trong năm 2021 là 400 ha.
Rà soát nguồn quỹ đất có khả năng trồng cây Mắc ca để hình thành mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ gắn với chế biến Mắc ca của các huyện, thành phố; phối hợp xác định các vùng, địa phương có thể phát triển được cây Mắc ca. Đến nay có 9 huyện, thành phố (trừ Ia H’Drai) đã xây dựng kế hoạch trồng mới 420ha Mắc ca; trong đó, nhiều nhất là huyện Đăk Tô 140ha, huyện Đăk Glei 90ha, huyện Kon Rẫy 76ha, huyện Ngọc Hồi 55ha, huyện Đăk Hà 40ha...
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung theo Biên bản ghi nhớ. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2025 trồng được 2.000 ha cây Mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng trồng tập trung, quy mô diện tích đủ lớn, không trồng rải rác để tạo thành những vùng sản xuất lớn, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và tập trung tại các xã, thị trấn có lợi thế và tiềm năng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây Mắc ca.
Sử dụng các loại giống cây Mắc ca mới có năng suất cao, chất lượng tốt; phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay và có triển vọng để phục vụ xuất khẩu như: 246, A38, 846, Quế Nhiệt…
Đồng thời, hình thành các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất cây Mắc ca bền vững; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thương hiệu, quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xúc tiến thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sản xuất cây Mắc ca an toàn, bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chất điều hòa sinh trưởng hóa học.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển cây Mắc ca trong Đề án tổng thể hỗ trợ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chung của tỉnh.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm