Kit test COVID-19, máy đo SpO2 “loạn giá”, Bộ Y tế yêu cầu bình ổn giá
Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, việc mua bán các loại kít test nhanh diễn ra hết sức sôi động. Điều đáng nói là nhiều cá nhân đẩy giá bán lên cao để trục lợi từ nhu cầu kiểm tra sức khỏe người dân. Nắm được thực trạng trên, Bộ Y tế đã nhanh chóng vào cuộc…
Số ca mắc COVID-19 trên cả nước có xu hướng tăng, dẫn theo nhu cầu về kit test xét nghiệm nhanh COVID-19 và một số vật tư y tế cũng tăng. Theo đó, giá các loại kit test nhanh và máy đo SpO2 trên thị trường đang tăng giá đồng loạt, thậm chí nhiều nơi thông báo hết hàng, không đủ hàng bán cho người sử dụng.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Vụ đã nắm được sự việc một số nơi tăng giá kit test xét nghiệm nhanh COVID-19 và các vật tư y tế khác. Vụ đã báo cáo lãnh đạo Bộ và sẽ sớm xử lý hiện tượng này.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đáng chú ý, mới đây Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Tài chính sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch COVID-19; Ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Bộ cũng đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung kit test xét nghiệm. Theo đó, Bộ Y tế chủ động liên hệ hoặc thông qua kênh ngoại giao để họp, trao đổi, đàm phán trực tuyến với các nhà sản xuất kit test có uy tín trên thế giới để có thể mua lại với số lượng lớn và giá thấp nhất có thể.
Bên cạnh đó, đã và đang thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Riêng tại Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trước việc giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao đột biến, một số loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 chưa được cấp phép lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường nắm bắt thông tin theo lĩnh vực, địa bàn.
Tính đến ngày 11/2/2022, cả nước có 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên đã được Bộ Y tế cấp phép. Với test nhanh kháng nguyên, trong đó có 3 sản phẩm được sản xuất trong nước và 80 loại nhập khẩu từ nước ngoài (trong đó có 69 test nhanh, 11 test chạy máy miễn dịch).
Mới đây nhất, trong Thông tư 02/2022/TT-BYT hướng dẫn giá xét nghiệm COVID-19 ban hành ngày 18/2, Bộ Y tế quy định với test nhanh mẫu đơn, mức thanh toán không quá 78.000 đồng/xét nghiệm. Trước đó, theo Thông tư 16/2021/TT-BYT mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, giá các loại kit test nhanh trên thị trường dao động từ 90-130.000 đồng/kit test.
Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay, có nhiều loại kit test nhanh COVID-19 được rao bán trên thị trường, người dân cần thận trọng khi chọn mua, chỉ nên mua các loại kit test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vì sinh phẩm được cấp phép đã qua kiểm chứng mới đảm bảo tiêu chuẩn, độ đặc hiệu, độ nhạy.
Nếu mua online, người dân chỉ nên mua sản phẩm kit test nhanh COVID-19 ở các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép kinh doanh và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành.
Tuyệt đối không mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, đặc biệt qua hệ thống mạng đối với các sản phẩm trang thiết bị y tế (gồm có các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành).