0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 07/07/2020 08:13 (GMT+7)

Tiềm năng thị trường bán lẻ ở Việt Nam

Khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đang dần tăng lên thì chắc chắn sức mua tại khu vực bán lẻ sẽ tăng cao.

Cuộc “rượt đuổi” nội – ngoại

Nhìn nhận về điểm mạnh và điểm yếu của thị trường bán lẻ Việt Nam, Công ty Nghiên cứu thị trường Savills cho rằng, điểm mạnh của thị trường bán lẻ Việt Nam là quy mô dân số lớn, bên cạnh đó tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thu nhập của người tiêu dùng gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn. Đây là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống, đem đến nhiều hơn một trải nghiệm mua sắm.

Tiềm năng lớn, thị trường bán lẻ Việt Nam những năm qua vẫn được xem là “miếng bánh” ngon đối với các tập đoàn bán lẻ ngoại. Theo kết quả khảo sát thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu, Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước có sức hút trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.



Thị trường bán lẻ ở VN đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao


Một con số thông kê khác đó là, theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trên thực tế có thể cao hơn. Minh chứng cho điều đó, nhiều “ông lớn” nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Riêng chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam, và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020.

Một hãng bán lẻ đình đám khác từ Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã “đổ bộ” vào Việt Nam tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới. Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt, với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới. Đáng chú ý, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, khởi đầu cho sự gia nhập thị trường bằng chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Còn các doanh nghiệp Việt Nam thì sao? Đầu năm 2019, Vingroup đã hoàn tất việc mua lại chuỗi bán lẻ Fivimart, trước đó chuỗi bán lẻ Viễn Thông A cũng đã trở thành công ty con của Vingroup. Tiếp theo đó, chuỗi Shop & Go cũng đã “tự nguyện” nhượng lại toàn bộ 87 cửa hàng tiện lợi cho Vincommerce chỉ với giá 1USD. Tháng 12/2019, một sự kiện hợp tác “có một không hai” ở thị trường nội địa Việt Nam là Vingroup chuyển giao việc điều hành Vinmart, Vinmart+ và VinEco sang cho Masan, tạo thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam với mạng luới 2.600 siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Cần nhấn mạnh ở sự kiện này, không phải là một phi vụ M&A hay mua bán thông thường mà là sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt với nhau để trở thành một tập đoàn sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu trong cả nước. Mục đích của sự hợp tác này rất rõ ràng, đó là sẽ tiến tới giành lại kênh phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Đây cũng chính là cách giải quyết khó khăn mà các nhà sản xuất và cung ứng Việt đang gặp phải khi tiếp cận một số siêu thị của nước ngoài.

Không riêng Vingroup, năm tháng trước, Saigon Co.op cũng tiếp quản hệ thống 18 siêu thị mang thương hiệu Auchan của một nhà bán lẻ Pháp sau khi đơn vị này tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam. Sau thương vụ, đồng thời với nỗ lực mở rộng hệ thống, đơn vị này đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 có 1.000 điểm bán.

Nắm bắt “điểm G” của khách hàng

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, khoảng 10 năm trước, khi Việt Nam mở cửa thị trường, có nhiều ý kiến lo ngại sẽ đe dọa hệ thống phân phối bán lẻ nội địa còn non trẻ. Theo ông, khi đó một số người lo doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, hệ thống và kinh nghiệm thương trường dễ giành được phần thắng. Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng những năm gần đây đã xóa tan những lo ngại này.

Ông Phú đánh giá, một số doanh nghiệp bán lẻ nội thời gian qua làm khá tốt việc địa phương hóa, cá nhân hóa. Với ngành này, doanh nghiệp cần nắm được thói quen của người tiêu dùng mới duy trì và mở rộng được hệ thống. Các nhà bán lẻ nội có lợi thế hơn về điều này. Hơn nữa, gần đây việc một số ông lớn có tiềm lực tài chính tham gia vào thị trường bán lẻ cũng khiến vốn không còn là lợi thế khác biệt của doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy vậy, với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này sẽ đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa.

Thị trường bán lẻ Việt Nam trong một số năm tới dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 2 con số. Những thành tựu mới của công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin sẽ giúp thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh hơn, chất lượng hơn và giảm chi phí hơn. Bán lẻ Việt với định hướng xuyên suốt “lấy khách hàng làm trung tâm, nhân tố quyết định sự tồn tại của mỗi thương hiệu bán lẻ”, người tiêu dùng sẽ luôn đặt niềm tin thực sự vào những doanh nghiệp bán lẻ chân chính, phục vụ văn minh, có thương hiệu. “Mặc dù trong quá trình phát triển đi lên, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn gặp một số khó khăn nhất định. Song, tương lai sẽ thuộc về những doanh nghiệp chấp nhận đi cùng nhau để cùng đến đích nhanh và hiệu quả.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước ngày càng yêu cầu cao, đa dạng hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, do đó, các nhà bán lẻ Việt cần có chiến lược dài hơi, song song với đó áp dụng các mô hình siêu thị đa kênh, siêu thị tích hợp điểm vui chơi giải trí để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng.

Dẫn câu chuyện bày bán mặt hàng gì để phù hợp với người tiêu dùng từng địa phương, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op - chia sẻ, mỗi vùng miền có thói quen tiêu dùng khác nhau, cùng là mặt hàng chuối nhưng người tiêu dùng miền Bắc thích chuối sứ, chuối cau, còn người miền Nam thích chuối tiêu già, DN bán lẻ phải nắm được điều này để bày bán mặt hàng cho phù hợp. Không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả hình thức nhận diện, logo của nhà bán lẻ cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với khách hàng từng khu vực.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Tiềm năng thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

OceanBank sắp về tay MB với giá 0 đồng
Sau gần 2 năm tham gia tái cơ cấu, MB đã hoàn tất thủ tục gửi lên Ngân hàng Nhà nước về việc nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng Oceanbank và đang chờ trình Chính phủ phê duyệt.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 3/2024
Tháng 3/2024, Ngân hàng Agribank vừa có thông báo mức lãi suất huy động. Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất là 4,9% năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân

Tin mới