0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 25/08/2021 10:52 (GMT+7)

Kinh doanh ảm đạm, động lực nào thúc đẩy ngành xây dựng bứt phá cuối năm 2021?

VDSC nhận định, tăng tốc đầu tư công vào cơ sở hạ tầng là điểm then chốt để thúc đẩy tăng trưởng ngành xây dựng trong cuối năm 2021. Hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh và giá vật liệu xây dựng tăng mạnh.

Kinh doanh ảm đạm

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong quý 2 gặp nhiều khó khăn. Gần 49% doanh nghiệp nhận định tình hình kinh doanh khó khăn hơn quý 1, chỉ có 17% cho rằng thuận lợi hơn.

Nửa đầu năm 2021, bình quân giá vật liệu xây dựng nhà ở và giá xăng dầu trong nước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá thép, vật liệu thường chiếm từ 11% - 16% chi phí đầu vào trong các dự án xây dựng đã tăng mạnh tới 40% so với cuối năm 2020, gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các nhà thầu xây dựng.

tm-img-alt
Nhiều công trình bị tạm dừng xây dựng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một số dự án buộc phải tạm dừng thi công khi giá vật liệu xây dựng tăng đột biến. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt cũng là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp các nhà thầu giảm trong năm 2021. Thị trường xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng từ các đợt Covid-19 khi các hoạt động xây dựng bị hạn chế.

Kết thúc quý II/2021, Công ty Xây dựng Coteccons ghi nhận doanh thu thuần giảm 36%, lợi nhuận sau thuế giảm 71% cùng kỳ, lần lượt còn 2.550 tỷ đồng và 44,9 tỷ đồng. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm gần nhất của doanh nghiệp xây dựng lớn nhất cả nước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Coteccons đạt 5.119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 99,4 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 65% cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty mới hoàn thành gần 1/3 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Cùng chung tình cảnh, mặc dù quý II/2021, doanh thu thuần Công ty Đầu tư Xây dựng Ricons đạt 1.826 tỷ đồng, tăng nhẹ 10% so với cùng kỳ song lợi nhuận gộp giảm 27% so với cùng kỳ xuống còn 70 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 2 ghi nhận giảm 44% xuống còn hơn 33 tỷ đồng, nguyên nhân là do chi phí nguyên vật liệu, các chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty tăng vọt.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Ricons đạt 3.042 tỷ đồng doanh thu thuần. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi ròng giảm 38% xuống còn xấp xỉ 57 tỷ đồng.

Một ông lớn khác trong ngành xây dựng là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng có kết quả kinh doanh kém tích cực trong nửa đầu năm 2021.

Trong quý II, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.179,5 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp là 195 tỷ đồng giảm 16,7%.

Kinh doanh không khả quan, Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng nhờ lãi từ hoạt động khác. Các khoản thu nhập khác và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại giảm giúp Hòa Bình báo lãi 58,4 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 5.442,6 tỷ đồng, đi ngang. Lợi nhuận sau thuế là 67,4 tỷ đồng. Dù đã cải thiện hơn so với năm 2020, song sau 6 tháng, công ty mới hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 28,9% kế hoạch lợi nhuận.

Tăng tốc đầu tư công - triển vọng cho ngành xây dựng?

Đánh giá triển vọng ngành xây dựng nửa cuối năm 2021, CTCP Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng tăng tốc đầu tư công vào cơ sở hạ tầng là điểm then chốt để thúc đẩy tăng trưởng ngành.

Thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành xây dựng trong 5 năm tới. Theo Fitch Solutions, giá trị ngành xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ đạt 158.167 tỷ đồng vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10% trong giai đoạn 2020 - 2025.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. 

Trong đó, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng lớn là động lực chính. Cụ thể, tổng vốn ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng (tăng 43% so với giai đoạn 2016-2020), bao gồm 1.500 nghìn tỷ đồng cho các vùng kinh tế trọng điểm và 1.370 nghìn tỷ đồng cho các khu vực khác.

Cơ hội cũng sẽ đến với những doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng riêng. Trong bối cảnh khó giành được hợp đồng do quá trình đấu thầu gay gắt, việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới bằng cách tham gia mảng xây dựng phân khúc khác đáng được cân nhắc. Khi ngành xây dựng dân dụng bão hòa, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở các phân khúc mới.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu tiêu dùng suy yếu thì đầu tư công sẽ là đầu kéo khả thi nhất. Thời gian gần đây, Chính phủ cùng các cơ quan bộ ngành đã có động thái tích cực để đẩy mạnh đầu tư công.

Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).

Dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế tích cực mà VNDIRECT đưa ra, chuyên viên phân tích thị trường Đinh Quang Hinh cho rằng, ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư do một số nhà máy phải tạm dừng hoạt động trong nhiều ngày để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút corona.

Tuy nhiên, ông Đinh Quang Hinh cho rằng tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng sẽ vẫn mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021 nhờ: Các chính sách và giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch trong các khu công nghiệp và duy trì chuỗi cung ứng sản xuất không bị gián đoạn bởi đại dịch; nhu cầu bên ngoài cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi và tăng chi tiêu công, đặc biệt là cho phát triển cơ sở hạ tầng.

VNDIRECT kỳ vọng ngành công nghiệp và xây dựng sẽ tăng 8,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với mức tăng 8,4% trong 6 tháng đầu năm 2021).

Đối với kịch bản tiêu cực, ngành công nghiệp và xây dựng có thể phục hồi với tốc độ chậm hơn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu bên ngoài lẫn trong nước sụt giảm.

VNDIRECT dự báo ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với 8,4% trong 6 tháng đầu năm 2021 và 8,3% trong kịch bản cơ sở).

Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh ảm đạm, động lực nào thúc đẩy ngành xây dựng bứt phá cuối năm 2021?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới