Kiên Giang: Bảo tồn, phát triển bền vững nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ
Việc triển khai dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ ở Kiên Giang không chỉ góp phần gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên mà còn giúp người dân ổn định nguồn thu nhập từ nghề truyền thống.
Đồng cỏ bàng Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) là một dạng đất ngập nước nguyên thủy còn sót lại, với diện tích lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long , có đặc trưng nhiễm phèn nặng, giàu hữu cơ, ngập theo mùa... Đây là hệ sinh thái tự nhiên không chỉ có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, mà còn là nơi cung cấp các sản phẩm từ cỏ bàng cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (nhóm dân tộc chính của cư dân Phú Mỹ).
Nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ của người Khmer trên vùng biên giới thuộc xã Phú Mỹ đã có từ lâu đời |
Nghề đan cỏ bàng hiện còn nhiều tiềm năng vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, rất được thị trường ưa chuộng, nhất là ở các nước phát triển. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động nhận việc làm các sản phẩm cỏ bàng; trong đó, có 90% là bà con người Khmer. Thu nhập bình quân ổn định cho mỗi người là 3 triệu đồng/tháng là khá ổn đối với mức sống của bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới.
Các sản phẩm cỏ bàng do bà con làm ra được Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đảm bảo đầu ra. Tổng số lượng mặt hàng sản phẩm của làng nghề khoảng 200.000 sản phẩm/năm, doanh thu đạt 6-7 tỷ đồng. Thị trường xuất đi nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và trong nước có TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc và một số điểm du lịch trong khu vực Nam bộ.
Trước đây, cỏ bàng mọc rất nhiều ở những cánh đồng đất nhiễm phèn nặng tại ĐBSCL. Cũng từ bao đời nay, người Khmer nơi đây đã biết nhổ cỏ bàng về phơi khô, đập dập rồi đan cà ròn, đệm, chiếu, giỏ, nón... phục vụ cuộc sống hàng ngày. Cỏ bàng cho thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 - 11 hàng năm. Nhờ đó, sếu đầu đỏ - loài chim đẹp, quý hiếm, có tên trong sách Đỏ thế giới và Việt Nam, đã chọn nơi đây làm nơi trú ngụ.
Tuy nhiên, do người dân khai thác tự do, tận diệt cỏ bàng, khiến cây mai dương xâm lấn, nên diện tích cỏ bàng dần thu hẹp, sinh cảnh biến đổi, sếu sợ hãi bay đi, sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập đầu năm 2016, có tổng diện tích khoảng 2.700ha; trong đó, diện tích vùng lõi 1.070ha, vùng đệm 1.630ha.
Mục tiêu của khu bảo tồn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long và duy trì số lượng sếu đầu đỏ trên 100 cá thể về đây trú ngụ mỗi năm.
Đồng thời, quản lý việc khai thác hợp lý, không làm kiệt quệ hệ sinh thái đồng cỏ, từ đó đảm bảo phát triển được làng nghề truyền thống bền vững và sinh kế ổn định cho người dân. Ngoài ra, KBTL-SC Phú Mỹ còn là nơi phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan làng nghề thủ công và sếu đầu đỏ; triển khai thực hiện các kế hoạch giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là trong khu bảo tồn.
Thời gian qua, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ còn trao đổi với các chuyên gia tài chính của Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học về nhu cầu tài chính của khu bảo tồn trong thời gian tới trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến về tài chính cho đa dạng sinh học BIOFIN - Huy động các nguồn lực cho đa dạng sinh học và phát triển bền vững”.
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đã đón đoàn tham quan, làm việc của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thái Lan và Việt Nam, trao đổi về tình hình hoạt động của đơn vị, nhu cầu phát triển, đầu tư về khoa học, du lịch, sinh kế người dân tại địa phương.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm