Khởi sắc tinh thần khởi nghiệp
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cuối năm 2019 do Bộ KH-CN tổ chức tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Thị trường, con người và sản phẩm là 3 tiêu chí quan trọng nhất trong việc đánh giá doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, xác định tiềm năng thị trường là yếu tố đầu tiên cần chú trọng, bởi thị trường đủ lớn thì doanh nghiệp mới có thể phát triển được.
Tiếp theo là yếu tố con người, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ nhà sáng lập (founding team) trong việc tạo ra chất xám, sản phẩm. Cuối cùng, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm đến sản phẩm, một sản phẩm cần đủ tốt và đủ mang lại giá trị cho khách hàng của mình.
Yếu tố thị trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, việc nghiên cứu thị trường sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin quan trọng về quy mô và xu hướng thị trường, tốc độ tăng trưởng, nhân khẩu học của khách hàng... từ đó xây dựng và lựa chọn được mô hình kinh doanh phù hợp.
Sau hơn 3 năm triển khai, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Các chính sách thí điểm cũng đang được các bộ ngành tích cực xây dựng, triển khai như: sandbox trong lĩnh vực fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài…
Xác định vai trò lớn của nhà nước trong cung cấp vốn mồi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tại thông tư 45/2019/TT-BTC về quản lý tài chính Đề án 844 mới có hiệu lực từ tháng 9.2019 vừa qua, Nhà nước đã cho phép hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp được tuyển chọn từ cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hàng năm.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Đề án 844 sẽ thực hiện các cuộc khảo sát quy mô và phối hợp với các chuyên gia để hình thành cơ chế hỗ trợ tài chính cho startup từ Đề án 844.
Năm 2019 cũng có 61 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện diện tại Việt Nam; trong đó, các quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore chiếm đa số.
Ở trong nước, các quỹ đầu tư cũng được thành lập, đưa thêm nguồn lực mới vào hệ sinh thái, như Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech City) và Next100.
Năm 2019, Việt Nam đã có bước tiến rất dài phát triển về khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức...
Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp khá tốt với nguồn lực về con người, sự quan tâm về chính sách của các nhà quản lý; đã hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước có sự phát triển nhanh.
Theo báo cáo của ES Capital và Cento Ventures, Việt Nam đang đứng thứ 3/6 quốc gia ASEAN về hệ sinh thái khởi nghiệp, sau Indonesia và Singapore. Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng, từ vị trí thứ 59 (năm 2017) lên vị trí 47 (năm 2018) và 45 (năm 2019) trong số 129 nền kinh tế được xếp hạng trên thế giới.
Tuy nhiên đến nay, chưa có nhiều doanh nghiệp được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững đi vào chiều sâu, chưa có nhiều mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội.
Kiến tạo, phát triển và kết nối các nguồn lực là những hoạt động trọng tâm để phát triển một hệ sinh thái bền vững. Do đó, việc thu hút nhân tài, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, hành lang pháp lý thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh kết nối quốc tế đang được nhiều quốc gia quan tâm, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt.
Tính cạnh tranh toàn cầu này được định danh bằng khả năng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, khả năng thu hút nguồn lực chất xám cũng như tính khả dụng trong môi trường kinh doanh.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo