0915 15 67 76 [email protected]

Khởi nghiệp 2020: Thanh long sinh thái trồng trên đất ngập mặn

Sinh viên Mai Trúc Lâm đã nghiên cứu tận dụng thành công cây mắm - loài cây đặc trưng ở vùng ngập mặn, để trồng thanh long cho hiệu quả cao.

Mai Trúc Lâm, sinh viên năm 4 ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Gia Định, sinh ra và lớn lên ở ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước (H.Cái Nước, Cà Mau), vùng đất hay bị ngập mặn nên gia đình gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Gia đình Lâm chuyển từ chăn nuôi đến trồng các loại cây ăn quả nhưng đều thất bại bởi ảnh hưởng nguồn nước ngập mặn. Tuy nhiên, chỉ có cây thanh long là còn sống và cho ra chỉ 1 trái. Đó cũng chính là niềm hy vọng cuối cùng mà gia đình Lâm dùng để thoát nghèo.

Chân dung chàng sinh viên Mai Trúc Lâm với dự án khởi nghiệp “Thanh long sinh thái trồng trên đất ngập mặn

Chàng trai sinh viên tài năng Mai Trúc Lâm


Trang trại Mai Gia (ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) là toàn bộ gia tài của gia đình chàng sinh viên Mai Trúc Lâm. Lâm chia sẻ, cách đây 5 năm, không ai nghĩ một ha đất ngập mặn này sẽ trở thành vườn thanh long và một xưởng thủ công nhỏ làm đồ gia dụng từ những cây mắm trong nhà.

Hành trình chuyển đổi sản xuất của gia đình Lâm gắn với những ngày tháng loay hoay tìm cách thoát nghèo. Như các hộ dân trong vùng, gia đình Lâm cũng sống bằng nghề nuôi tôm công nghiệp, nhưng việc xả thẳng chất thải ra môi trường làm ô nhiễm nước, nguồn sống cũng dần trở nên eo hẹp. Có những giai đoạn, gia đình Lâm tìm mọi cách chuyển đổi vật nuôi, cây trồng với hơn 40 loại cây, con giống mà vẫn thất bại. Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, không tìm được đầu ra và không hợp với môi trường khắc nghiệt đã khiến những thử nghiệm đều không thành.


Vườn thanh long ký sinh trên thân cây mắm

Vườn thanh long ký sinh trên thân cây mắm "độc nhất vô nhị" của gia đình Mai Trúc Lâm

Không bỏ cuộc, Lâm động viên mọi người tiếp tục tìm tòi, bởi lý do duy nhất mà bạn theo đuổi là: “Động lực thúc đẩy tôi thử nghiệm chính bởi không thể nào chấp nhận mình cứ nghèo mãi”. Không phụ lòng người, sau nhiều thất bại, một cây thanh long khỏe mạnh trong vườn đã ra trái đầu tiên, mang lại hy vọng sau bao ngày đổ mồ hôi, công sức của hai cha con Lâm.

Kết quả đạt được là những quả thanh long có chất lượng cao, vỏ bóng, siêu mỏng, có màu tím sen, gai ngắn, ruột trắng ít hạt, ngọt thanh và có hương vị nhãn đặc biệt. Cho đến nay, gia đình Lâm đã đưa hơn 10 tấn thanh long ra thị trường.

Tuy sống và phát triển trong môi trường rừng ngập mặn, nhưng những trái thanh long lại có hương vị đặc biệt. Lâm cho biết, nếu như trái thanh long giống bản địa có vị chua, chát và khi chưa chín kỹ thường khó ăn, thì khi thay đổi điều kiện sống chúng lại có hương vị hoàn toàn khác.

“Nhìn bề ngoài, thanh long trồng cùng cây mắm có vỏ mỏng, mầu tím sen, ruột trắng có vị ngọt thanh, thơm. Nhiều khách hàng nhận xét quả thanh long có hương vị rất đặc trưng”, Lâm tự hào chia sẻ.

trồng thanh long trên vùng đất ngập mặn

Những đọt thanh long xanh mơn mởn, sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất ngập mặn


Việc phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp “độc” và “lạ” này còn khiến nhiều người tò mò, muốn tham quan, trải nghiệm. Những lợi thế để phát triển bền vững đều được Lâm dần hiện thực hóa, đem lại tính thuyết phục cho dự án “Thanh long sinh thái trồng trên đất ngập mặn” của mình. Điều này đã giúp chàng sinh viên giàu nghị lực giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp, như “Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học - Euréka 2019”, “Ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp trong tầm tay 2019” của Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh, “Business ideas 2019” của Đại học Kinh tế - Tài chính, cuộc thi “Khởi nghiệp quốc gia 2019” của VCCI, “Giải thưởng Én Xanh 2019”...

Mai Trúc Lâm cho biết, dự án “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn” dùng cây mắm làm trụ đỡ thay vì trụ bê tông thông thường giúp giảm chi phí, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây thanh long. Ngoài thanh long, mô hình này còn có thể thu hoạch được nhiều thứ như phân, củi, chất đốt từ cây mắm, khai thác thủy hải sản dưới chân rừng và nuôi ong để tận dụng nguồn phấn hoa từ hoa thanh long cùng với hoa mắm. Ngoài ra, dự án này còn góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái như chống sạt lở, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, hải sản non. Xa hơn, Trúc Lâm mong muốn có thể mở rộng, phát triển du lịch sinh thái vùng ngập mặn ở địa phương.

Những cuộc thi này giúp Lâm có thêm kinh nghiệm, tăng thêm kỹ năng quản trị và phát triển dự án khởi nghiệp mà Lâm chưa được học trong nhà trường. Ngoài ra, các cuộc thi còn giúp Lâm có nguồn vốn không hoàn lại từ giải thưởng để tiếp tục đầu tư vào dự án, nuôi tiếp ước mơ khởi nghiệp cùng gia đình.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Khởi nghiệp 2020: Thanh long sinh thái trồng trên đất ngập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023