Khởi nghiệp 2020: Startup Việt Zen Flowchart ra mắt sản phẩm mới Zen Mind Map
Zen Flowchart - Startup vẽ biểu đồ “made in Vietnam” thu hút người dùng ở 168 quốc gia vừa mới ra mắt ứng dụng vẽ bản đồ tư duy mới mang tên “Zen mind map”.
Bản đồ tư duy (mind map) được phát triển vào cuối thập niên 1960s bởi chuyên gia Tony Buzan, người chấp bút 92 cuốn sách bán chạy nhất thế giới về làm chủ trí não.
Bản đồ này còn được ví là “công cụ vạn năng khai phá sức mạnh bộ não”, phương pháp ghi chú đầy sáng tạo được hơn 250 triệu người trên thế giới sử dụng. Thay vì đọc sách đơn thuần, bạn có thể tường thuật cả cuốn sách hoặc nảy thêm các ý tưởng mới bằng một trang vẽ bản đồ tư duy, giúp tăng chất lượng kiến thức tiếp thu.
Tại Mỹ, mind map được ứng dụng nhiều từ các lớp tiểu học đến giảng đường đại học, nhằm ghi nhớ kiến thức trực quan sinh động hơn. Trong các phòng kinh doanh hay ban truyền thông sáng tạo, mind map được ứng dụng để tập thể cùng tranh biện, tìm giải pháp hiệu quả nhất. Với bản đồ tư duy, não bộ có thể khai phá nhiều ý tưởng, cùng lúc sắp xếp lại chúng bằng những mối liên hệ dễ ghi nhớ, dễ theo dõi, dễ trình bày.
Đó là lý do thôi thúc Nick Hoàng ra mắt phần mềm vẽ bản đồ tư duy “Zen mind map”. Sử dụng ngôn ngữ thiết kế đơn giản trên nền tảng website, phù hợp với số đông người dùng, Zen Mind Map cho phép ghi lại ý tưởng, suy nghĩ nảy ra trong tích tắc. Cả người không rành về công nghệ cũng có thể nhanh chóng tạo biểu đồ mà không cần đọc hướng dẫn quá nhiều.
Nick Hoàng – Nhà sáng lập Zeb Flowchart
Trước đó, Nick Hoàng đã gặt hái thành công lớn với ứng dụng “Zen flowchart” đơn giản và dễ sử dụng, thu hút hơn 450.000 người dùng từ 168 nước trên thế giới. Trong đó, nhiều người dùng là nhân viên đến từ các hãng công nghệ lớn và các tổ chức phi lợi nhuận.
“Zen mind map” cũng sở hữu nhiều tính năng tương đồng “Zen flowchart”, được lập trình tối ưu lợi ích cho người dùng. Chúng bao gồm tính năng “One-click creation” tạo thêm một nhánh ý tưởng trên bản đồ tư duy chỉ với một bước “nhân bản” (thay vì 3 bước điều hướng như các phần mềm khác), giúp người dùng tiết kiệm 50% thời gian tạo mind map. Cùng với đó là tính năng “Publish document” giúp người dùng không cần tải bản đồ hay in ra, mà chỉ cần chia sẻ đường link tức thời.
Ngoài ra, công cụ còn cho phép người dùng chỉnh sửa, linh hoạt kéo thả và di chuyển các nhánh ý tưởng trên bản đồ tư duy; chèn liên kết, biểu tượng icon, hình ảnh để mind map thêm sinh động. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, “Zen mind map” thu về số lượng người dùng tăng cao do nhu cầu làm việc và học tập từ xa tăng. Ngoài công năng cộng tác nhóm, ứng dụng còn được các thầy cô sử dụng nhiều trong môi trường giáo dục, giúp học sinh tư duy và nhớ bài học tốt hơn.
“Zen mind map” hiện cung cấp gói cơ bản miễn phí cho người dùng và gói nâng cao đầy đủ tính năng với giá 4,9 USD/tháng.
Giao diện “Zen mind map” thân thiện với người dùng
Ứng dụng vẽ bản đồ tư duy mới mang tên “Zen Mind Map” của startup vẽ biểu đồ ‘made in Vietnam’ được kỳ vọng bộ công cụ sẽ tiếp nối thành công của ứng dụng tiền nhiệm, trở thành lựa chọn hàng đầu của các cá nhân, trường học và doanh nghiệp khi cần vẽ bản đồ tư duy.
“Đôi khi, chúng ta có quá nhiều công việc phải giải quyết hoặc cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, song thực tế con người mới chỉ sử dụng chưa tới 10% sức mạnh não bộ. Công cụ tạo bản đồ tư duy Zen Mind Map sẽ giúp tăng tốc độ sáng tạo và xử lý công việc”, CEO Nick Hoàng cho biết.
Zen Flowchart hiện cung cấp gói cơ bản miễn phí cho người dùng và gói nâng cao đầy đủ tính năng với giá 4,5 USD mỗi tháng cho cá nhân, chưa có gói cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nick Hoàng cho biết không đặt nặng về doanh thu, mà tham vọng tạo ra một sản phẩm tốt nhất “Made in Vietnam”, nhưng mang tầm quốc tế. Theo đó, toàn bộ lợi nhuận sẽ tái đầu tư cho phát triển và nâng cấp sản phẩm trong ít nhất 1-2 năm tới.
Ra mắt hồi tháng 5/2019, Zen Flowchart thu hút lượng lớn người dùng trong thời gian ngắn. Ứng dụng từng được bầu chọn là sản phẩm vẽ biểu đồ số 1 trên Product Hunt, một chuyên trang giới thiệu sản phẩm công nghệ mới ở Mỹ.
Ứng dụng hiện thu hút hơn 450.000 người dùng từ nhiều nước trên thế giới. Các thị trường lớn nhất theo thứ tự người dùng là Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Saudi Arabia, Anh, Ấn Độ, Nhật, Canada, Đức…
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm