0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Khởi nghiệp 2020: Làm Robot 'siêu to khổng lồ' từ phế liệu

Cùng chung niềm đam mê với lập trình Robot, những thành viên trong nhóm Robot Bank đã biến những phế liệu xe máy và ô tô thành một con Robot thông minh với tên gọi Robot One.

Anh Lê Tuấn Khanh đã từ bỏ công việc giáo viên, dốc hết tài sản nghiên cứu robot bất chấp sự phản đối của gia đình và bạn bè

Anh Lê Tuấn Khanh đã từ bỏ công việc giáo viên, dốc hết tài sản nghiên cứu robot bất chấp sự phản đối của gia đình và bạn bè


Sáng tạo Robot tất cả từ đam mê

Vốn mê robot từ khi còn là sinh viên đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, anh Lưu Tuấn Khanh (30 tuổi ở Hà Nội) thường cùng bạn bè mày mò, tìm hiểu thêm cách tạo ra những con robot giống trong các bộ phim về người máy biến hình transformer. Con đường Khanh đến với những con robot tự tay mình tạo nên cũng thật khác biệt.

Năm 2013, anh cùng nhóm bạn đăng ký tham gia cuộc thi Robocon toàn quốc. Tuy không đạt giải thưởng cao trong cuộc thi nhưng đó là một trải nghiệm quý, giúp anh học hỏi thêm nhiều điều mới trong lĩnh vực chế tạo robot. Tốt nghiệp đại học cùng năm đó, Khanh được giữ lại trường làm giảng viên, mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Hàng ngày đi dạy, đêm về anh tìm hiểu thêm cách chế tạo robot.

Dường như chưa đủ thời gian cho đam mê, thực hiện hóa được những ý tưởng từng ấp ủ, năm 2016, Khanh quyết định từ bỏ sự nghiệp đứng lớp, đi theo tiếng gọi của đam mê. Nhóm Robot Bank được hình thành từ đó, thành viên là các sinh viên cùng sở thích.

Nhớ lại những ngày đầu, nhóm bạn trẻ nói có người ủng hộ nhưng cũng không ít người lo lắng về tính khả thi của ý tưởng cũng bởi việc chế tạo robot ở Việt Nam còn quá mới mẻ. Các bạn trẻ phải tự bỏ tiền túi ra để nghiên cứu chế tạo vì chưa kêu gọi được nguồn vốn đầu tư.

Sự ra đời của Robot phế liệu


Dự án Robot One tốn rất nhiều công sức của nhóm kỹ sư trẻ

Dự án Robot One tốn rất nhiều công sức của nhóm kỹ sư trẻ


Dự án robot “siêu to, khổng lồ” từ phế liệu xe máy, ô tô đã được Robot Bank lên ý tưởng từ tháng 11/2018. Tuy nhiên, phải đến tận đầu năm 2019, những chàng trai, cô gái đến từ đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp mới chính thức bắt tay vào hiện thực hóa.

Mới đầu, nhóm có 7 thành viên, nhưng sau một vài tháng hoạt động, cũng chỉ còn lại phân nửa. Vì dự án này hoàn toàn là phi lợi nhuận, nên các anh em cũng khó có thể gắn bó dài lâu được. Robot Bank chỉ làm vì đam mê, lấy đam mê để nghiên cứu và từng bước hoàn thiện, nên nhiều bạn trẻ đang phải chịu áp lực cuộc sống và mưu sinh cũng khó lòng gắn bó được.

Với tâm huyết dành cho dự án, các thành viên chẳng quản ngại thời gian làm việc. Những buổi trưa nắng nóng, các chàng trai vẫn miệt mài nghiên cứu trong một gian phòng nhỏ, mồ hôi ướt đầm lưng áo vẫn tập trung hàn gắn, ghép nối và sơn sửa ngoại hình của robot.

Sau quá trình làm việc vất vả, một chú robot khổng lồ của dự án Robot Bank đã ra đời với cái tên Robot One. Chú robot này nặng hơn 100kg, cao khoảng 3m, sải rộng cánh tay có thể lên tới 2m, có thể xoay chuyển được thân trên và đặc biệt, được lập trình để tự giới thiệu bản thân.


Robot One cao khoảng 3m, nặng tới hơn 100kg

Robot One cao khoảng 3m, nặng tới hơn 100kg


“Xin chào các bạn! Tôi là Robot One. Tôi đến từ Việt Nam. Tôi được thiết kế và sáng chế bởi nhóm Robot Bank. Tôi là phiên bản đầu tiên được chế tạo từ các vật liệu tái chế”, đó là thông tin được Robot One nói sau khi được bật.

Anh Khanh cho biết, những vật liệu được sử dụng để chế tạo Robot One chính là những bộ phận được lấy từ các bộ phận của xe máy, ôtô như yếm, còi, đèn, giảm xóc, bánh xe,… của hàng loạt hãng khác nhau.

Để có đủ linh kiện, nhóm vừa lên hình dáng, vừa đi thu gom ở khắp nơi. Nói là phế liệu nhưng không phải dễ kiếm. Bởi để có một bộ phận phù hợp, các thành viên phải lùng sục nhiều chỗ, khi thì xin, khi thì mua.


Bánh xe máy được dùng làm chân di chuyển cho robot

Bánh xe máy được dùng làm chân di chuyển cho robot


Khi gom được các vật liệu tái chế xếp đầy một gian nhà, cả nhóm bắt tay thực hiện dần từng công đoạn. Robot One cũng có một bản vẽ kỹ thuật, nhưng để lắp ráp trên thực tế lại khá khó khăn, bởi các mảnh vật liệu là phế liệu từ xe, không phải mảnh nào cũng có thể vừa vặn với vị trí định ghép nối, các thành viên cũng đã phải dày công cắt gọt.

Các công đoạn thực hiện lắp ráp cơ học cũng khá cầu kỳ, tỉ mỉ. Sau khi hàn xong “khung xương” cơ bản của robot bằng sắt, từng mảnh vật liệu phù hợp sẽ được lắp ghép lên khung này.

Sau khi lắp tạm thời mô hình, sẽ tiến hành sơn nền rồi gỡ ra, sơn màu rồi lại lắp vào. Hoàn tất các bước tinh chỉnh hình dáng thì mới sơn bóng một lớp ngoài cùng để tạo sự thu hút. Các phần mềm lập trình được cài đặt sẵn và đưa vào robot tích hợp với bộ điều khiển.

Tay phải của Robot One còn có một nòng súng có thể điều khiển xoay tròn như một robot đại chiến thực thụ, nhưng mới chỉ dừng lại ở vai trò tăng tính độc đáo cho mô hình.

Sau nhiều tháng, trong gian nhà chỉ 50m2 dùng để chứa vật liệu và 10m2 để lắp ráp robot trước sân, sản phẩm đầu tiên của dự án đã hoàn thành trong sự mong đợi và kì vọng của các bạn trẻ.

Khi dựng xong và hoàn thiện robot, cả nhóm phải mất nhiều công sức để di chuyển và dọn dẹp những phần vật liệu thừa do không gian để tập kết quá nhỏ hẹp. Tuy nhiên, với niềm vui đã hoàn thành một chú robot theo đúng ước mơ.

Để hiện thực hóa ước mơ, kế hoạch có một không hai này, đội ngũ của Robot Bank đã mất khoảng 6 tháng để thu thập các bộ phận cần thiết và lắp ráp chúng sao cho giống với những thiết kế. Được biết, tổng chi phí mà nhóm đã bỏ ra rơi vào khoảng 200 triệu đồng.

Hy vọng rằng, sau Robot One, nhóm sẽ thành công với những dự định của mình, khởi đầu cho rất nhiều dự án trong tương lai với ước mơ làm robot và kết nối những câu chuyện kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Khởi nghiệp 2020: Làm Robot 'siêu to khổng lồ' từ phế liệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Tin mới