0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Khởi nghiệp 2020: 5 sai lầm doanh nghiệp nên tránh khi tuyển dụng

Tuyển dụng quá gấp gáp hay tìm kiếm ứng viên quá hoàn hảo là một trong các nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tìm được nhân sự ưng ý.



Là doanh nghiệp thì buộc phải tuyển dụng nhân sự


Là một doanh nghiệp chắc chắn bạn không thể không tuyển dụng nhân sự. Thế nhưng làm thế nào để tuyển dụng được những nhân sự “được việc” lại không phải dễ dàng. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại càng khó khăn, khi mà các doanh nghiệp này không có quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm cụ thể, thiếu lợi thế để thu hút nhân tài.

So với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ bất lợi hơn rất nhiều về những yếu tố “tiếp xúc đầu tiên” như: Sự hoành tráng của văn phòng công ty, quy mô nhân viên, sự chuyên nghiệp của quy trình tuyển dụng… Các yếu tố sau này như lương thưởng thì càng không cạnh tranh được.

Tuy nhiên các công ty nhỏ lại có lợi thế về đào tạo, về môi trường trẻ trung năng động, về “cú nhảy vọt” trong cơ hội thăng tiến. Tất cả những điều này sẽ phụ thuộc khá lớn vào cuộc phỏng vấn với ứng viên, và người phỏng vấn ứng viên chính là người truyền lửa ban đầu.

Chính vì vậy, khi tiến hành tuyển dụng, phỏng vấn nhà tuyển dụng phải nắm bắt được điểm mạnh và hạn chế của doanh nghiệp mình. Đồng thời phải nắm bắt được tâm lý cũng như năng lực của ứng viên. Trên tất cả các mặt trận thì “biết người biết ta, trăm trận cũng thắng 99”.

Dưới đây là một số những điều mà doanh nghiệp vừa và nhỏ nên lưu ý để có thể thành công trong quy trình tuyển dụng.

Tuyển dụng quá gấp gáp

Bộ phận tuyển dụng tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa không lạ với những yêu cầu tuyển dụng trong thời gian eo hẹp. Việc nhanh chóng tìm được nhân sự cho vị trí đang trống là cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên vì vậy mà đốt cháy giai đoạn tuyển dụng. Công việc tuyển dụng gồm nhiều khâu như lọc đơn, phỏng vấn, đánh giá… Mỗi khâu đều cần một khoảng thời gian nhất định, nếu quá gấp gáp và tuyển người không phù hợp, doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian hơn.

Bộ phận tuyển dụng cần trao đổi với ban lãnh đạo để đặt ra những mốc thời gian cho việc tuyển dụng, đồng thời thuyết phục ban lãnh đạo cho thêm thời gian để lựa chọn được ứng viên tốt.

Tìm kiếm ứng viên quá hoàn hảo

Trái với lỗi tuyển dụng gấp gáp ở trên, nhiều doanh nghiệp lại dành quá nhiều thời gian để cố gắng tìm một ứng viên hoàn hảo. Dù đánh giá kỹ đến đâu, doanh nghiệp cũng chỉ có thể biết được ứng viên có phù hợp hay không sau khi thử việc một vài tháng. Việc quá cầu toàn có thể khiến cho doanh nghiệp đánh mất những ứng viên tiềm năng.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng lao động của mình và cân nhắc các yêu cầu khi tuyển dụng, tập trung vào những yêu cầu trọng yếu. Doanh nghiệpncũng nên đặt ra giới hạn thời gian cho việc tuyển dụng tùy theo mức độ quan trọng của vị trí cần tuyển.

Doanh nghiệp cần thông báo chi tiết thông tin về những lợi thế cũng như hạn chế của công ty để cho ứng viên có cái nhìn tổng thể trong quá trình xem xét ứng tuyển.

Thiếu sự linh hoạt trong khi tuyển dụng

Trong kỷ nguyên số, người lao động có nhiều sự lựa chọn. Nếu vẫn giữ những nề nếp quan liêu trong tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ mất đi nhiều ứng viên tiềm năng.

Ví dụ, người lao động hiện nay quen với việc ứng tuyển trực tuyến, nếu doanh nghiệp bắt buộc nộp hồ sơ trực tiếp, nhiều ứng viên sẽ không ứng tuyển. Doanh nghiệp nên xem ứng viên như khách hàng và cố gắng tạo điều kiện để việc ứng tuyển trở nên dễ dàng nhất có thể.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc yêu cầu về bằng cấp vì đây không phải là yếu tố quan trọng nói lên năng lực của ứng viên. Kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ làm việc mới là những tiêu chí quan trọng quyết định ứng viên có phù hợp với công việc hay không.

Tuyển nhân sự năng lực kém để tiết kiệm chi phí

Nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn những ứng viên ít kinh nghiệm, hài lòng với mức lương thấp để tiết kiệm chi phí nhân sự. Tuy nhiên, những nhân viên như vậy khó đem lại nhiều giá trị, đồng thời trở thành chướng ngại ngăn cản sự phát triển của công ty. Với những vị trí quan trọng, doanh nghiệp không nên vì yếu tố chi phí mà lựa chọn ứng viên không đạt yêu cầu.

Không “bán” công ty cho các ứng viên

Đây là thời điểm nhà tuyển dụng cần ứng viên chứ không phải ứng viên cần nhà tuyển dụng. Những ứng viên giỏi luôn có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn và doanh nghiệp cần cung cấp cho họ thông tin chi tiết về những lợi ích họ sẽ nhận được, cũng như lợi thế của công ty. Nếu ứng viên có thiện cảm với doanh nghiệp, việc thương lượng về quyền lợi trở nên dễ dàng hơn.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Khởi nghiệp 2020: 5 sai lầm doanh nghiệp nên tránh khi tuyển dụng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Tin mới