0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 13/02/2022 12:11 (GMT+7)

Khi ông lớn “chen ngang” vào nông nghiệp: Người “khởi sắc”, kẻ “lận đận”

Vẫn biết đầu tư vào nông nghiệp là “gai góc”, nhưng với niềm tin sẽ thu lại lợi nhuận trong dài hạn, nên đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân mạnh tay rót vốn, tuy nhiên số phận của các "ông lớn" này có sự khác biệt khá lớn.

Thagrico sắp có lãi lần đầu

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Group, chia sẻ trong thông điệp gửi cán bộ nhân viên chiều 12/2/2022.

Thagrico, công ty phụ trách mảng nông nghiệp của Thaco, dự kiến năm nay thu 10.700 tỷ đồng và bắt đầu có lãi.

Thaco đang giao Thagrico quản lý với tổng diện tích đất nông nghiệp lên tới 48.500 ha tại Tây Nguyên và Campuchia. Trong đó, các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này bao gồm trồng trọt cây ăn trái; chăn nuôi bò, lợn và cung cấp các sản phẩm tươi, chế biến.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Năm nay, tập đoàn dự kiến đạt khoảng 400.000 tấn trái cây và 2.000 tấn mủ cao su với doanh thu khoảng 4.700 tỷ đồng. Đồng thời, trồng mới 1.500 ha cây ăn trái, nâng tổng diện tích cây trồng năm 2022 lên 10.300 ha chuối; 890 ha dứa và 3.700 ha xoài.

Ở mảng chăn nuôi, công ty dự kiến nhập khẩu 7.000 con bò giống và cung cấp 16.000 con bò sinh sản cho các Khu liên hợp nông nghiệp Ea H’leo (Đắk Lắk) và Snoul, Kounmom (Campuchia); xuất bán gần 8.500 bò thịt. Đến cuối năm 2022, Thagrico dự kiến nâng tổng đàn bò lên hơn 53.000 con và sản xuất phân hữu cơ để cung cấp cho các vườn cây.

Về số đàn lợn, Thagrico dự kiến nâng tổng số lợn giống lên mức 125.000 con và bán ra thị trường 109.000 con năm nay. Công ty cũng sẽ sản xuất 75.000 tấn thức ăn chăn nuôi, mở rộng trang trại tại Bình Định, An Giang và triển khai đầu tư mới trang trại chăn nuôi lợn giống, thịt tại Cao nguyên, đầu tư thêm một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại miền Trung.

Với kế hoạch kể trên, Thaco dự thu khoảng 10.700 tỷ đồng từ mảng nông nghiệp năm nay, trong đó, doanh thu xuất khẩu là 7.000 tỷ đồng.

Ông Dương cho biết thêm công ty sẽ chi đầu tư 4.000 tỷ đồng để cơ bản hoàn thiện mô hình sản xuất kinh doanh và bắt đầu có lãi trong năm nay. Tuy nhiên, mức lãi dự kiến không được tiết lộ.

Là một “ông lớn” trong ngành sản xuất lắp ráp ô tô, khi đầu tư vào nông nghiệp, Thaco muốn “cơ giới hóa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến và phân phối”, nghĩa là Thaco quyết tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tháng 3/2019, Thaco khởi công xây dựng Khu công nghiệp Nông Lâm Nghiệp rộng 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 8.118 tỷ đồng. Trong số đó bao gồm nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng; đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 6 năm 2020 với công suất 200.000 tấn/năm. Kết quả đầu tiên sau sự hợp tác, Thadi đã xuất khẩu được 30 container chuối sang Trung Quốc vào tháng 3/2019.

Tuy nhiên “cuộc chơi” trong lĩnh vực nông nghiệp này của Thaco luôn gắn liền với số phận của Hoàng Anh Gia Lai Agrico, sự hợp tác tỷ USD là một ván bài lớn của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương khi đặt niềm tin vào ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL.

Vào ngày 3/8/2018, Thaco đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) để đầu tư vào 2 công ty là CTCP Nông nghiệp quốc tế HAGL (Công ty Nông nghiệp HNG) và Công ty HAGL Myamar Center.

Năm 2012, đang trên đỉnh cao số một ngành địa ốc, Bầu Đức quyết định thoái vốn bất động sản để rẽ sang ngành nông nghiệp. Song bước ngoặt này xảy ra đúng giai đoạn cao su rớt giá triền miên, khiến doanh nghiệp đối mặt với một thập kỷ thua lỗ, nhiều năm gồng mình trả nợ. Năm 2016, nợ phải trả của công ty vượt ngưỡng 36.000 tỷ đồng, dồn doanh nghiệp vào thế khó.

Từ năm 2018 đến nay, áp lực dòng tiền dồn HAGL Agrico (HNG) đến bước phải chuyển nhượng các công ty con để giải quyết nợ và bổ sung vốn lưu động.

Cuộc "hôn phối" của Hoàng Anh Gia Lai Agrico với Thaco đã khiến HAGL giảm 14.000 tỷ đồng nợ vay đồng thời bốc hơi hơn 19.000 tỷ đồng giá trị tài sản.

Hòa Phát chững doanh thu

“Vua thép” Trần Đình Long bắt đầu tham gia làm nông nghiệp từ năm 2015 với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, gia súc, gia cầm. Đến năm 2019, mảng nông nghiệp của Hòa Phát bắt đầu hái quả với doanh thu gần 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 72%, đóng góp tỷ trọng 12% tổng nguồn thu tập đoàn. Cùng thời điểm, doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát cao hơn cả một số thương hiệu có bề dày trong ngành như Dabaco, Vissan.

tm-img-alt
Hòa Phát chững doanh thu sau 6 quý tăng trưởng.

Trước đó, chia sẻ với những lo lắng của cổ đông tại sao tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp, lãnh đạo Hòa Phát từng nhận định, rủi ro cao bao giờ cũng đi kèm với cơ hội lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch chưa bao giờ lại cao như hiện nay. Dĩ nhiên, trong ngắn hạn cổ đông chưa thể trông mong lợi nhuận thu về từ các công ty nông nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư nông nghiệp về lâu dài sẽ giúp công ty phải triển ổn định, bền vững.

Trong quá khứ, Hòa Phát đã thành công vang dội khi rẽ ngang từ doanh nghiệp sản xuất máy xây dựng sang sản xuất thép. Tuy nhiên từ tháng 5/2021 doanh thu của Hòa Phát bắt đầu sụt giảm sau 6 quý liên tục tăng trưởng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Hòa Phát, trong quý I năm 2021 công ty ghi nhận doanh thu từ mảng nông nghiệp đạt 2.248 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Do phần doanh thu tăng mạnh từ thép nên tỷ trọng đóng góp mảng nông nghiệp giảm xuống còn 7,2% trong quý I, thấp hơn so với mức 14,4% của cùng kỳ năm ngoái và mức bình quân 12,4% của năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, từ mảng nông nghiệp của Hòa Phát mang về 719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 45% so với năm 2020.

Như nhiều tập đoàn lớn khác, Hòa Phát chọn hướng đi đa ngành và đầu tư vào nông nghiệp và bất động sản.

Mảng nông nghiệp, Hòa Phát đầu tư từ năm 2015 bằng việc áp dụng tư duy và quy trình sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực heo, bò thịt và trứng gà. Trong đó, Hòa Phát hiện là nhà nhập khẩu thịt bò Úc lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm hơn 50%.

Ngoài ra, tập đoàn cũng tham gia mảng sản xuất trứng gà công nghiệp. Công ty hiện có 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 300.000 tấn/năm cùng các trang trại chăn nuôi heo tại Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Bình Phước.

FLC lận đận với dự án nông nghiệp công nghệ cao

Tháng 2/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xem xét, tham mưu thu hồi dự án nông nghiệp công nghệ cao FLC vì kém hiệu quả. Thế nhưng, đến nay đã tròn một năm trôi qua mà dự án vẫn chưa thu hồi.

Ngày 13/1, ông Phan Văn Nhàn - Trưởng Phòng Doanh nghiệp Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Hà Tĩnh cho biết, bởi phía nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn FLC) có văn bản xin chỉ thực hiện dự án trên diện tích hơn 96ha tiếp nhận từ Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) trong tổng diện tích được giao của dự án là 240ha.

Sở KHĐT Hà Tĩnh đã hướng dẫn nhà đầu tư muốn giảm quy mô thì làm hồ sơ xin điều chỉnh dự án để các sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định.

Vậy nhưng, đến nay sau nhiều lần liên lạc, nhà đầu tư vẫn chưa làm hồ sơ xin điều chỉnh.

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát các điều kiện thu hồi Dự án nông nghiệp công nghệ cao FLC Hà Tĩnh để tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định.

Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho hay, dự án nông nghiệp công nghệ cao của FLC trên địa bàn Hà Tĩnh trồng Thanh Long trên một phần nhỏ diện tích nhưng hiệu quả thấp. Trong khi bỏ hoang phần lớn đất đai rất lãng phí. Dự án hiện còn tồi tàn hơn trước đây. Nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhân dân địa phương có ý kiến đề nghị thu hồi dự án.

tm-img-alt
Dự án Nông nghiệp công nghệ cao FLC ở xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà).

Dự án Nông nghiệp công nghệ cao FLC - Hà Tĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/2018 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Mục tiêu của dự án là tổ chức trồng trọt, sản xuất rau củ quả đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng, an toàn, giàu dinh dưỡng thông qua việc đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa nhằm cung cấp các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đến tháng 1/2019, nhà đầu tư phải hoàn thành đầu tư và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.

Thế nhưng, thực tế dự án đầu tư chậm tiến độ và chỉ thực hiện trồng khoảng gần 30ha Thanh Long ruột đỏ và dưa lưới, bí, dưa lê, lạc nhưng năng suất thấp. Trong khi theo quy hoạch thì nông sản chính của dự án là Thanh Long ruột đỏ.

Bạn đang đọc bài viết Khi ông lớn “chen ngang” vào nông nghiệp: Người “khởi sắc”, kẻ “lận đận”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới