'Khai thác đá bạc trái phép tạo tiền lệ xấu và không công bằng' (Kỳ 10)
“Khai thác khoáng sản (đá bạc – đá thạch anh) trái phép tạo tiền lệ xấu, không công bằng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, cần phải xử lý nghiêm”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho biết
Sau khi phản ánh loạt bài về đường dây khai thác trái phép đá bạc (đá thạch anh) tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), nhóm Phóng viên Kinh tế Môi trường bất ngờ phát hiện một người đàn ông tên Hồng được mệnh danh là “đầu nậu” trong hoạt động khai thác đá bạc tại Hà Tĩnh. Người này có tên trong danh sách lãnh đạo một số doanh nghiệp trên địa bàn.
“Phải cạnh tranh lành mạnh”
Nhằm thông tin rõ hơn về hoạt động khai thác đá bạc trái phép trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh không lành mạnh cho những đơn vị khác cũng như việc chấp hành pháp luật của các đơn vị thành viên trong Hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, PV Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Lê Đức Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề trên.
Ông Thắng cho biết, sau khi Kinh tế Môi trường phản ánh loạt bài về việc khai thác đá bạc trái phép trên đia bàn Hà Tĩnh, ông cũng đã nắm được thông tin. Còn sự việc báo nêu liên quan đến Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Trung Hậu (đơn vị có bãi tập kết đá bạc trái phép), có giám đốc là ông Phan Xuân Hồng. Ông Hồng là Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.
Một ngọn đồi bị "xẻ thịt" tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Theo ông Thắng, trong hoạt động của hiệp hội, ông Phan Xuân Hồng là một người có trách nhiệm, nhiệt tình. Hội doanh nghiệp sinh hoạt theo điều lệ, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp doanh nghiệp.
Đá bạc được khai thác trái phép tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. (Ảnh: Tiến Đạt) |
“Trong hoạt động kinh doanh, nếu ông Hồng có làm gì sai thì cơ quan chức năng cũng xử lý theo đúng quy định pháp luật. Nếu có việc khai thác khoáng sản trái phép thì phải chấm dứt ngay, để có sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp. Còn về mặt quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”, ông Thắng chia sẻ.
Vị chủ tịch này cho hay, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, ông sẽ có ý kiến ngay với ông Phan Xuân Hồng về những vấn đề trên.
Khảo sát khu vực có quặng thạch anh để đấu giá khai thác
Hoạt động khai thác đá bạc (đá thạch anh) diễn ra trong thời gian dài, nhiều ngọn đồi bị “xẻ thịt”, hồ đập bị ảnh hưởng, nhưng không có đơn vị nào xử lý. Trong khi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chưa cấp quyền khai thác khoáng sản này cho bất cứ đơn vị nào.
Đá bạc sau khi được khai thác, "đầu nậu" đưa về bãi tập kết, xay nhỏ đưa ra Bắc tiêu thụ. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Mới đây, ngày 8/3, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các địa phương như huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh đã có buổi đi khảo sát, kiểm tra các khu vực quặng thạch anh dự kiến đấu gia quyền khai thác khoáng sản. Đoàn do ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì.
Cụ thể, khu vực kiểm tra gồm các mỏ thạch anh khu II, thuộc phường Kỳ Trinh và mỏ thạch anh khu III, thuộc phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh. Tại huyện Kỳ Anh, đoàn kiểm tra tại mỏ thạch anh khu I, thuộc xã Kỳ Sơn.
2 người đàn ông đi ôtô 7 chỗ mang BKS: 38A - 087.XX đến Công an huyện Cẩm Xuyên, xuất trình một số giấy tờ liên quan đến lô hàng đá bạc. (Ảnh: T.Đ). |
Trước đó, khi có thông tin một người đàn ông tên Hồng, “đầu nậu” thu mua đá bạc trái phép, Phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu xem “ông Hồng” mà người đàn ông tên T. nhắc đến là ai? Theo ghi nhận của PV, thời điểm Công an huyện Cẩm Xuyên bắt giữ đoàn xe chở đá bạc vào đêm 5/3, sau 2 giờ bị bắt, xuất hiện 2 người đàn ông đi trên ôtô 7 chỗ, mang BKS 38A – 087.XX có mặt tại trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên. Lãnh đạo Công an huyện Cẩm Xuyên xác nhận 2 người đàn ông này đến cung cấp một số giấy tờ liên quan đến đoàn xe chở đá bạc vừa bị bắt, một người tên Hồng, người còn lại tên Phương.
Qua xác minh tại Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, ôtô 7 chỗ mang BKS: 38A – 087.XX có chủ sở hữu là Công ty Cổ phần xây dựng công nghiệp và Thương mại Xuân Hồng, có trụ sở tại tổ dân phố 3, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, người đại diện pháp luật của công ty ông Phan Xuân Hồng.
Được biết, ông Phan Xuân Hồng cũng là Phó Giám đốc của Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Trung Hậu (đơn vị có bãi tập kết đá bạc trái phép tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh). Ngoài ra, ông Hồng hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Kỳ Anh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện khẳng định, khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước.
“Điều này chứng tỏ sự buông lỏng quản lý của địa phương. Nếu địa phương không quản lý tốt thì đã không có những doanh nghiệp khai thác trái phép kéo dài như vậy. Theo tôi được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đó. Nhưng Bộ TN&MT chỉ thực hiện ban hành các chính sách và hướng dẫn thôi, còn trách nhiệm thuộc về địa phương”.
"Trường hợp doanh nghiệp khai thác trái phép tại địa phương nhưng không bị xử lý thì phải xem có "lợi ích nhóm" ở đây hay không?", ông Nhưỡng đặt câu hỏi.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến loạt bài phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường, về tình trạng khai thác đá bạc trái phép này, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đã có văn bản số 177 gửi Tạp chí Kinh tế Môi trường đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin.
PV sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường