Khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp cuối năm của Quốc hội khai mạc lúc 9h sáng nay (20/10), dự kiến làm việc trong 17 ngày và chia làm hai đợt, đợt một họp trực tuyến.
Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh).
Quốc hội cũng sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày thẩm tra về công tác phòng, chống Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong Nghị quyết 30, Quốc hội đã giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện một số giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh.
Cũng tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội...
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, những tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Về dịch bệnh, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 thống nhất nhận định "đã kiểm soát được tình hình và từng bước chuyển sang trạng thái mới". Thời gian tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chiều nay (20/10), Quốc hội sẽ nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán và phương án phân bổ năm 2022; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê...
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến dành 2,5 ngày làm việc để chất vấn các thành viên Chính phủ.
Các vị đại biểu cũng sẽ xem xét thông qua hai dự án Luật và năm dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; tỉnh Nghệ An; Thanh Hóa; Thừa Thiên Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến...
Ngoài ra, Quốc hội xem xét, cho ý kiến năm dự án luật: Cảnh sát cơ động; Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Kỳ họp lần này được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành hai đợt. Đợt một, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu trong 11 ngày (từ 20/10 đến 30/10). Đại biểu ở địa phương nào sẽ tham dự tại điểm cầu địa phương đó. Đại biểu công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả đoàn Hà Nội) tham dự tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Đợt hai, dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội 6 ngày (từ 8/11 đến 13/11).
"Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt hai liền mạch với đợt một để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch", ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.