Khách hàng lớn tại Mỹ xin phá sản, May Sông Hồng nguy cơ mất 166 tỷ đồng
Ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, May Sông Hồng đang có khoản phải thu lên đến 166,6 tỷ đồng với đối tác Mỹ vừa nộp đơn xin phá sản.
Thông tin từ Washington Post, RTW Retailwinds - công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York & Co tại 32 bang trên khắp nước Mỹ, vừa nộp đơn xin phá sản vào thứ Hai và có thể hãng này sẽ đóng cửa gần hết, thậm chí là tất cả các cửa hàng. Năm 2019, RTW cho biết doanh thu giảm hơn 7%, còn 827 triệu USD và ghi nhận lỗ ròng 61,6 triệu USD so với con số lãi 4,2 triệu USD vào năm 2018.
Đáng nói, The New York & Co hiện là đối tác lớn nhất của CTCP May Sông Hồng (mã MSH) chiếm 25% tổng doanh thu của mảng FOB (mảng kinh doanh chiếm khoảng 70% tổng doanh thu), lớn nhất trong số các khách hàng chính.
CTCP May Sông Hồng nguy cơ mất 166 tỷ đồng
Ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, May Sông Hồng đang có khoản phải thu lên đến 166,6 tỷ đồng với đối tác này. Đây là khoản phải thu lớn nhất đối với một khách hàng, chiếm 38% phải thu khách hàng ngắn hạn của May Sông Hồng tại thời điểm cuối tháng 3/2020.
Trong hồ sơ, RTW liệt kê tài sản 412 triệu USD và các khoản nợ khoảng 396 triệu USD. Công ty con của RTW là The New York City cho biết các cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động trong quá trình làm thủ tục phá sản, 90% các cửa hàng New York &Co đã mở cửa trở lại sau khi lệnh dừng hoạt động được dỡ bỏ nhưng tương lai của các cửa hàng này là không chắc chắn.
Trước May Sông Hồng, CTCP Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã TCM) cũng rơi vào trường hợp tương tự khi khách hàng lớn của doanh nghiệp tại Mỹ là Tập đoàn bán lẻ Sears Holdings đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối năm 2018.
Thời điểm đó, 2 công ty con của Sears Holdings là Sears, Roebuck and Co. và Kmart Corporation đang là khách hàng đóng góp khoảng 7% doanh thu và khoản phải thu lên đến hơn 100 tỷ đồng của Dệt may Thành Công. Đến cuối năm 2019, TCM đã phải trích lập dự phòng phải thu 84 tỷ đồng cho các khoản phải thu này.
Việc các đối tác lớn làm thủ tục phá sản chưa chắc đã khiến khoản phải thu của Dệt may Thành Công hay May Sông Hồng bị mất trắng, tuy nhiên việc công tác thu hồi công nợ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tái cấu trúc của khách hàng và có thể mất nhiều thời gian.
Mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh chưa thực sự rõ rệt tuy nhiên kết quả kinh doanh quý I/2020 của May Sông Hồng vẫn sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần giảm nhẹ 3% xuống 939 tỷ đồng tuy nhiên giá vốn vẫn ở mức cao khiến lợi nhuận trước thuế giảm tới 27% so với cùng kỳ, về mức 78,8 tỷ đồng.
Năm 2020, May Sông Hồng lên kế hoạch 3.200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, tương ứng giảm 27% và 54% so với năm 2019. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 25-35%. Với kết quả đạt được sau quý đầu tiên, công ty đã thực hiện 29,3% kế hoạch doanh thu và 31,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm