Kế hoạch lợi nhuận trái ngược của doanh nghiệp bảo hiểm thời hậu Covid-19
Mặc dù dự báo còn khó khăn và thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tự tin đưa ra nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng.
Kỳ vọng lợi nhuận khủng
Tính đến cuối năm 2019, thị trường bảo hiểm có 66 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, gồm 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 16 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2019 đạt 454,379 nghìn tỷ đồng, tăng 15,03% so với năm 2018. Trong đó, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 89,447 nghìn tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 364,932 nghìn tỷ đồng.
Bước sang năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã lên kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao với doanh thu năm 2020 là 2.289 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư đạt 325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 14,8 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng đặt mục tiêu đạt 2.425 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ và 241 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế; cổ tức năm 2020 dự kiến ở mức 8%.
Được biết, năm 2019, BIC đặt mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm công ty mẹ đạt 2.220 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 223 tỷ đồng. Hay tại Tập đoàn Bảo Việt vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 với kế hoạch kinh doanh năm 2020 dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 44.960 tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.180 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.488 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (7.423 tỷ đồng) là 13,5%.
Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2020 được dự kiến trên cơ sở lãi suất trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ là 3,35% và 3,45%, tương ứng với các hợp đồng có hiệu lực trước và từ ngày 16/2/2019.
Tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng quyết tâm đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp vào Top 5 Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, doanh thu bảo hiểm gốc tăng trưởng trên 15% so với năm 2019, cam kết cổ tức từ 8% - 10%.
Năm 2020, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc đạt 6.250 tỷ đồng. Định hướng chiến lược 2020 – 2025 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân 12%/năm. Đến năm 2025, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 11.000 tỷ đồng, chiếm 12% thị phần và đứng thứ hai trên thị trường. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân tối thiểu 8%/năm, mức cổ tức chi trả bình quân hàng năm tối thiểu 10%.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đặt mục tiêu kinh doanh hiệu quả, đầu tư tài chính an toàn và tăng trưởng doanh thu, với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.177 tỷ đồng, tăng trưởng 54%.
Và kế hoạch lợi nhuận "tụt lùi"
Trái ngược Bảo Việt, BIC hay BSH,... vẫn có những doanh nghiệp bảo hiểm đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2020 thụt lùi.
Cụ thể, PVI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2020 là 10.126 tỷ đồng, giảm 9% so với mức thực hiện năm 2019. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 669 tỷ đồng, giảm 5%. Riêng công ty mẹ, PVI đặt kế hoạch doanh thu 1.066 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% và lợi nhuận sau thuế 661 tỷ đồng, tăng 15%.
Công ty cũng cho biết tốc độ tăng trưởng bảo hiểm có xu hướng giảm, việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp và sự thâm nhập của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh năm 2020.
Trong khi đó, Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cũng đặt ra mục tiêu kinh doanh nếu đến hết tháng 7 dịch Covid-19 được kiểm soát thì tổng doanh thu 2020 dự kiến ở mức 3.218,2 tỷ đồng, giảm gần 30% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch khoảng 175 tỷ đồng, giảm hơn 20%; Tỉ lệ chia cổ tức/vốn điều lệ là 10%.
Tương tự, PJICO (PGI) cũng đặt mục tiêu cụ thể, doanh thu bảo hiểm gốc năm 2020 dự kiến giảm 5% so với năm 2019, đạt 2.901,5 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế dự kiến không thấp hơn 180,8 tỷ đồng, giảm 10% so với thực hiện năm 2019. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 12%.
Trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến quý 3 và quý 4, HĐQT sẽ xem xét quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với thực tế và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh.
Lý giải cho nguyên nhân đặt kế hoạch doanh thu giảm sút, trong báo cáo, an lãnh đạo công ty cũng nhấn mạnh,do nhu cầu đi lại, vận tải, tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm mạnh, giá dầu lao dốc lần đầu tiên trong lịch sử về dưới 0USD/thùng... làm ảnh hưởng đến mảng bảo hiểm hàng hóa xăng dầu.Ước tính doanh thu mảng này giảm khoảng 20% so với kế hoạch năm 2019.
Bên cạnh đó vận tải hành khách đình trệ, đặc biệt lĩnh vực hàng không cũng sẽ kéo theo doanh thu mảng bảo hiểm hàng không, bảo hiểm trong lĩnh vực vận chuyển, hàng hóa giảm mạnh.
Những thách thức của ngành bảo hiểm trong nửa cuối năm 2020
Thực tế, dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng: làm việc tại nhà, đi du lịch bằng máy bay… đặc biệt khiến cho chúng ta quan tâm đến sức khỏe và các vấn đề rủi ro nhiều hơn. Đây được coi là một tín hiệu tích cực của thị trường bảo hiểm.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), đây cũng là một trong ba cơ hội lớn nhất của ngành trong thời gian tới bên cạnh sự phát triển của công nghệ và triển vọng kinh tế vĩ mô phục hồi.
Tuy nhiên, các DNBH cũng phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Trong đó nổi bật lên 4 thách thức chính là cạnh tranh trong ngành càng gia tăng; rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết rõ ràng về thị trường bảo hiểm; hạ tầng công nghệ thông tin bất cập.
Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang nỗ lực đẩy tăng trưởng doanh thu khai thác mới trong quý III tới, bởi trong 5 tháng đầu năm, theo thống kê sơ bộ, doanh thu phí mới chỉ tăng khoảng 6% - mức tăng rất thấp so với những năm trước.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo