Vụ nhà thầu nợ tiền lương công nhân tại Danko City: Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ giải quyết
Đại diện Danko nhấn mạnh, dù nhà thầu Phong Sơn nợ tiền lương người lao động không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư sẽ hỗ trợ giải quyết.
Mấy ngày qua, dư luận người dân Thái Nguyên xôn xao trước thông tin các công nhân đang làm việc cho một nhà thầu tại dự án Danko City phản ánh bị chậm tiền lương.
Theo đó, các công nhân cho biết, nhiều tháng qua, họ mất ăn, mất ngủ vì bị Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác mỏ Phong Sơn (Công ty Phong Sơn) nợ lương. Đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần.
Phản ánh trên Báo Lao động, ông Nguyễn Văn Thủy (thường trú tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nói rằng ông là người đại diện cho hơn 70 công nhân đến từ các địa phương khác nhau ký hợp đồng thi công xây dựng công trình khu nhà ở thấp tầng kết hợp thương mại (Shophouse 18) gồm: Thi công xây thô và hoàn thiện mặt ngoài cho 33 căn lô SH18 và thi công công trình xây dựng kết cấu, kiến trúc cảnh quan cánh cung HM03 cổng chính 01 thuộc dự án Danko City, TP.Thái Nguyên.
Ông Thủy trình bày, sau khi ký hết hợp đồng khoán, ông cùng 70 công nhân khác đã vất vả để làm việc cho kịp tiến độ và chất lượng. Tuy nhiên, mấy tháng trời họ không được trả tiền lương.
Nhà thầu Phong Sơn nợ lương người lao động hay nợ tiền nhà thầu phụ?
Để làm rõ thông tin, PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko, chủ đầu tư của dự án Danko City. Sáng ngày 13/1, doanh nghiệp này đã chính thức có phản hồi đến báo chí.
Chủ đầu tư cho biết, theo thông tin do ông Nguyễn Văn Thủy cung cấp thì tổng số tiền mà nhà thầu Phong Sơn xác nhận nợ tổ đội thi công do ông Nguyễn Văn Thủy đứng “đại diện”. Đồng thời, như ông Thủy trình bày thì đây là hợp đồng khoán giữa nhà thầu Phong Sơn với tổ đội thi công do ông Nguyễn Văn Thủy đứng “đại diện”.
Việc ký “hợp đồng khoán” và cách quyết toán này thì đây không phải là quan hệ lao động giữa nhóm tổ đội do ông Nguyễn Văn Thủy đứng “đại diện” mà bản chất là quan hệ kinh tế, thương mại, dân sự giữa nhà thầu Phong Sơn với nhà thầu phụ do ông Nguyễn Văn Thủy đứng “đại diện”.
Về sự việc này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko cho biết, họ có ký Hợp đồng xây dựng với Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác mỏ Phong Sơn có trụ sở chính đăng ký tại tổ dân phố Hạ 10, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nội dung hợp đồng là triển khai thi công xây thô, hoàn thiện mặt ngoài nhà cho 33 căn lô SH18 và xây dựng kết cấu, kiến trúc cánh cung HM03 cổng chính 01 thuộc Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn - thuộc Dự án Danko City.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, nhà thầu Phong Sơn nhiều lần vi phạm hợp đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko đã tiến hành chấm dứt Hợp đồng thi công xây dựng và yêu cầu nhà thầu Phong Sơn nộp hồ sơ quyết toán và thanh lý hợp đồng.
“Chủ đầu tư không ký kết các thỏa thuận, hợp đồng hoặc cam kết nào với các lao động của nhà thầu Phong Sơn cũng như không có văn bản pháp luật nào quy định Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm thay cho nhà thầu Phong Sơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hỗ trợ những người lao động tại Dự án bằng việc khuyến khích các nhà thầu hiện đang thi công tại Dự án sử dụng những lao động của các nhà thầu đã ngừng thi công tại Dự án để hỗ trợ họ trong giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19. Và trên thực tế, rất nhiều người lao động đã từng làm việc cho nhà thầu Phong Sơn vẫn đang tiếp tục làm việc cho các nhà thầu khác tại Dự án”, đại diện Tập đoàn Danko cho biết.
Ngày 6/1/2022, Thanh tra Sở LĐ-TBXH Thái Nguyên và Liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên có đến làm việc với BQLDA của Chủ đầu tư để xác minh thông tin nợ lương của nhà thầu Phong Sơn với người lao động. Lúc này, chủ đầu tư mới biết việc nợ lương công nhân của nhà thầu Phong Sơn.
Vì sao nhiều nhà thầu “bỏ của chạy lấy người”?
Theo ghi nhận thực tế, nửa đầu năm 2021, giá nguyên vật liệu xây dựng đã có dấu hiệu tăng cao và tăng đột biến trong các tháng 5, 6, 7 của năm 2021. Tính đến quý 3/2021, riêng giá thép đã tăng khoảng 60% so quý IV/2020. Do vậy, rất nhiều các nhà thầu đều “bỏ của chạy lấy người” hoặc “đứt gánh giữa đường”. Thông tin về rất nhiều các nhà thầu bỏ dở công trình, dự án được đăng tải trên rất nhiều các báo và phương tiện truyền thông trong năm 2021.
Thêm nữa, năm 2021 Việt Nam thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid với thời gian kéo dài. Nhiều tỉnh đã thực hiện giãn cách theo các phương thức rất nghiêm ngặt dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Mặc dù không được coi là sự kiện bất khả kháng nhưng dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khiến cho nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Theo thống kê của Tổng cục thống kê thì năm 2021 có khoảng hơn 100.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động và ước tính khoảng 1,4 triệu lao động thất nghiệp.