0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 12/05/2022 08:50 (GMT+7)

Hơn 84.000 tỷ cho ba tuyến cao tốc mới cân đối thế nào?

Sau hai dự án vành đai cho Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội 3 dự án (giai đoạn 1) đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu.

Tiếp tục trình Quốc hội 3 dự án ở giai đoạn 1

Chủ trương đầu tư ba dự án đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chiều 10/5 với các ý kiến tán thành sự cần thiết, song đề nghị làm rõ hơn khả năng cân đối vốn cũng như cơ sở để quyết định hình thức đầu tư.

Ba dự án này có khá nhiều điểm tương đồng: đầu tư công toàn bộ, đều đã được Chính phủ đề xuất trong danh mục dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Về kỹ thuật thì đều có tốc độ 100 km/h, cơ chế đặc thù cơ bản như nhau...

Hơn 84.000 tỷ cho ba tuyến cao tốc mới cân đối thế nào? - Ảnh 1
Hơn 84.000 tỷ đồng triển khai 3 tuyến cao tốc trọng điểm.

Cả 3 dự án được chuẩn bị năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, tổng chiều dài khoảng 360 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án được Bộ Giao thông vận tải cho biết là hơn 84.000 tỷ đồng. Trong đó vốn từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội là 9.620 tỷ (trong 113 nghìn tỷ của toàn bộ Chương trình).

Ngoài ra, Chính phủ sẽ huy động từ ngân sách địa phương (tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và rà soát, cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025) và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, toàn bộ nguồn vốn trong giai đoạn 2022-2025 đã được cân đối đầy đủ. Nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Cơ chế chính sách đặc thù của cả ba dự án được Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án; cho phép phân chia các dự án thành theo địa giới hành chính các tỉnh/thành phố.

tm-img-alt
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn.

Tham gia ý kiến tại phiên thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn phân tích, vốn từ Chương trình phục hồi là 9.620 tỷ (trong 113 nghìn tỷ dành cho hạ tầng của Chương trình ) cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lại băn khoăn khi mà các dự án này cũng như danh mục các dự án khác được sử dụng vốn của Chương trình phục hồi chưa được trình để phê duyệt, thì sự chậm trễ đó sẽ tác động thế nào đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như mục tiêu của Chương trình đặt ra.

tm-img-alt
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Ông Thanh cũng nêu lại ý kiến cho rằng suất đầu tư của ba dự án có vẻ cao (dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trung bình là 93 tỷ/km, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là 165tỷ/km, còn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 208 tỷ/km) và đề nghị khi báo cáo ra Quốc hội cần giải trình, làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục là như thế đã tiết kiệm đã hiệu quả trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn hay chưa.

Ông Thanh cũng cho biết, dự kiến ngày 20/5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về ba dự án, nếu đủ điều kiện thì sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ ba (khai mạc ngày 23/5).

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1):

Toàn tuyến dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Châu Đốc (An Giang) đến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) khoảng 12 km, giảm thời gian di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ so với đi các tuyến đường hiện hữu.

Điểm đầu dự án tại nút giao với Quốc lộ 91 (TP.Châu Đốc, An Giang) đi theo hướng Đông Nam song song với Quốc lộ 91, sau đó tiếp tục qua địa phận tỉnh Sóc Trăng và kết thúc giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu tại khu vực cảng Trần Đề.

Trong tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng 27.553 tỷ đồng; chi phí thiết bị 981 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 8.487 tỷ đồng; chi quản lý, tư vấn và chi phí khác 2.568 tỷ đồng; vốn dự phòng 5.102 tỷ đồng.

Bộ GTVT dự kiến chia tuyến cao tốc này thành 4 dự án thành phần, gồm các đoạn: An Giang - Cần Thơ (hơn 57 km); đoạn Cần Thơ (hơn 37 km); đoạn Hậu Giang (gần 37 km); đoạn Hậu Giang - Sóc Trăng (gần 57 km). Định hướng phân cấp cho các địa phương đi qua làm chủ đầu tư.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1):

Tổng chiều dài hơn 117 km, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng, kết nối miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là cảng biển làm đầu ra cho hàng hoá khu vực Tây Nguyên.

Dự án bắt đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong (Ninh Hoà, Khánh Hoà), tuyến đi phía Nam Quốc lộ 26, sau đó tuyến đi theo hướng Đông Tây và kết thúc tại vị trí giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Trong tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỷ đồng, gồm chi xây dựng: 15.309 tỷ đồng; chi thiết bị 368 tỷ đồng; chi giải phóng mặt bằng 2.300 tỷ đồng; chi quản lý, tư vấn và chi phí khác 1.097 tỷ đồng; vốn dự phòng 2.861 tỷ đồng.

Bộ GTVT đề xuất chia tuyến cao tốc thành 3 dự án thành phần, gồm đoạn qua Khánh Hoà (32 km); đoạn Khánh Hoà - Đắk Lắk (hơn 37 km); đoạn Đắk Lắk (48 km).

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1):

Toàn tuyến dài hơn 53 km, kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng.

Cao tốc bắt đầu từ tuyến tránh Quốc lộ 1 thuộc TP.Biên Hòa (Đồng Nai), đi theo hướng Đông Nam, song song Quốc lộ 51 hiện hữu, giao cao tốc TPHCM Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao và tiếp tục đi theo hướng Đông Nam, kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trong tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng khoảng 7.833 tỷ đồng, chi phí thiết bị 473 tỷ đồng; chi giải phóng mặt bằng 6.629 tỷ đồng; chi quản lý, tư vấn và chi khác 997 tỷ đồng; vốn dự phòng 1.905 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải dự tính chia tuyến cao tốc thành 3 dự thành phần, trong đó 2 đoạn trên đại bàn tỉnh Đồng Nai (hơn 34 km) và 1 đoạn trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 19 km), định hướng phân cấp cho các địa phương này làm chủ đầu tư.

Cả ba dự án đường bộ cao tốc trọng điểm quốc gia gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đều được đề xuất áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền.

Theo lộ trình đề xuất, công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án sẽ được thực hiện trong năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Hơn 84.000 tỷ cho ba tuyến cao tốc mới cân đối thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo đảm quỹ đất cho dự án trọng điểm, cấp bách
Chiều 5/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc trực tiếp, trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về dự thảo quyết định điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.