Hơn 2.000 doanh nghiệp tại Hà Nội ký kết Thỏa ước lao động tập thể
UBND TP Hà Nội và Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội đã tiến hành ký chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2020 - 2025.
UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố vừa tổng kết chương trình phối hợp công tác giữa hai đơn vị giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, thời gian qua, UBND và LĐLĐ thành phố đã phối hợp tổ chức sôi nổi, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, lao động, đặc biệt là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô, sáng kiến sáng tạo Thủ đô.
Các cơ quan đoàn thể phối hợp hỗ trợ người lao động |
Thông qua hội nghị, nhiều quyền lợi của người lao động được đưa vào Thỏa ước lao động tập thể như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao tay nghề. Đến nay có 2.150 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở ký kết được Thỏa ước lao động tập thể, đạt 58,32%. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân ăn Tết, hỗ trợ công nhân nghèo...
Hằng năm, Chủ tịch UBND thành phố tiếp xúc trực tiếp với công nhân lao động (CNLĐ), đoàn viên công đoàn; lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của CNLĐ. Thành phố đã sửa chữa các hạng mục hư hỏng, xuống cấp tại khu nhà ở cho CNLĐ, phát triển trường, lớp dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi ở các khu công nghiệp và chế xuất... 100% cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, trung bình hàng năm có 68,5% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Người lao động.
Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội và LĐLĐ thành phố đã tiến hành ký chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2020 - 2025.
Thực tế trong thời gian qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, quý II có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp cả nước quý 2 năm nay tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với quý trước. Giai đoạn này người lao động rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính đến ngày 4.6, Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ của 94 doanh nghiệp với 1.881 lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; đã ra quyết định chi trả cho 4 doanh nghiệp với 50 lao động, kinh phí chi trả là 90 triệu đồng.
Ngoài việc tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất, đáp ứng yêu cầu mới hậu dịch bệnh.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm