Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vừa báo lãi đã "đứng ngồi không yên"
Năm vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu 2.108 tỷ đồng, lãi gần 127 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi năm 2021 chẳng thấm vào đâu so với những năm dài liên tục thua lỗ. Công ty của Bầu Đức tiếp tục bị ngân hàng bán cố phiếu để thu hồi nợ.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán: HNG) vừa công bố thông tin dự kiến chuyển nhượng cổ phiếu thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG).
Cụ thể, ngân hàng sẽ bán 25,4 triệu cổ phiếu HNG do Hoàng Anh Gia Lai đang nắm giữ để thu nợ. Hình thức giao dịch gồm bán thỏa thuận, khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/2 đến ngày 16/3.
Hiện tại, cổ phiếu HNG ở vùng giá 9.510 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, ngân hàng có thể thu hồi hơn 240 tỷ đồng sau khi bán hết số cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai nói trên.
Đáng chú ý, phía ngân hàng cũng mới vừa hoàn tất giao dịch bán 48,1 triệu cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai với mục đích thu nợ trong khoảng thời gian từ ngày 17/1 đến 10/2. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn sở hữu 11,7% cổ phần HAGL Agrico và sắp tới có thể sẽ còn giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 9,4% nếu ngân hàng bán thêm 25,4 triệu cổ phiếu HNG.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 công bố hồi cuối tháng 1, dư nợ vay ngân hàng hiện tại của Hoàng Anh Gia Lai dù đã giảm mạnh so với trước nhưng vẫn còn rất cao, lên tới gần 8.300 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm gần 2.500 tỷ đồng, còn lại gần 5.800 tỷ đồng là vay dài hạn. Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức nhiều lần khẳng định với cổ đông trả hết nợ ngân hàng là ưu tiên hàng đầu với cá nhân ông nói riêng và công ty nói chung.
Năm vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu 2.108 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty của bầu Đức lại có lãi 127 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ nặng gần 2.400 tỷ đồng.
Dù vậy, khoản lãi năm 2021 chẳng thấm vào đâu so với những năm dài liên tục thua lỗ trước đó. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang lỗ lũy kế hơn 4.400 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ có đúng 78 tỷ đồng tiền mặt. Trong khi đó, nợ phải trả lên tới gần 13.500 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.
Đặc biệt, cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai đang ở trong trạng thái bấp bênh vì công ty đối diện nguy cơ hủy niêm yết. Sau khi hồi tố số liệu trong quá khứ trên các kỳ báo cáo tài chính nhiều năm liên tiếp, Hoàng Anh Gia Lai lỗ ròng liên tục trong 4 năm từ 2017 đến 2020.
Theo quy định, cổ phiếu HAG nằm trong diện hủy niêm yết bắt buộc, chuyển giao dịch sang sàn UPCoM do công ty đã lỗ 3 năm liên tiếp.
Mới đây, công ty của bầu Đức đã gửi công văn kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho phép Hoàng Anh Gia Lai được áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi mới xem xét đến việc hủy niêm yết.
Lãnh đạo công ty giải thích tình hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc của Hoàng Anh Gia Lai đã có nhiều cải thiện so với trước đây, nhiều khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng đã được tất toán, năm 2021 công ty có lãi hơn 120 tỷ đồng và dự kiến năm nay lợi nhuận sẽ vượt 1.100 tỷ đồng.
Hiện tại, các cơ quan quản lý ngành chứng khoán chưa đưa ra thông báo chính thức về kiến nghị của Hoàng Anh Gia Lai.
Chia sẻ về vấn đề có nên “xé rào cho HAGL?” Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhấn mạnh, vụ việc cổ phiếu HAG của bầu Đức thì phải áp dụng đúng theo luật. Vì trước luật pháp thì không có ngoại lệ, không có chuyện của cá nhân nào khác. Thêm vào đó, nguyên tắc của thị trường chứng khoán là phải minh bạch, công khai và bình đẳng.
"Dẫu biết rằng anh Đức đã nỗ lực, cố gắng nhiều nhưng điều này không có nghĩa là phải áp dụng các hình thức khác biệt với người khác, được ưu ái hơn hay là phải được xử lý tốt hơn. Cho nên, theo tôi thì vẫn phải áp dụng theo đúng luật", ông Phương nói.
Theo ông Phương, với HAG của bầu Đức, có thể chuyển sang UpCOM, rồi cố gắng để khôi phục lại doanh số cho HAG, tạo ra lợi nhuận, gây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư. Khi HAG thỏa các điều kiện niêm yết trở lại thì vẫn có thể quay lại sàn HoSE.
Bởi, nếu mà chấp nhận cho bầu Đức "xé rào" thì sau này những trường hợp khác phải giải quyết ra sao? Như vậy luật pháp sẽ không còn sự nghiêm minh trên thị trường", Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, bình luận.