0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 21/07/2022 09:47 (GMT+7)

Hệ luỵ từ 'bẫy' làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ giả mạo thương hiệu

Việc các cơ sở thẩm mỹ giả mạo thương hiệu của bệnh viện lớn không còn xa lạ, nhưng nhờ chiêu trò quảng cáo vẫn thu hút được nhiều người tìm đến làm đẹp, không ít người trong số đó gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Việc các cơ sở thẩm mỹ giả mạo thương hiệu của bệnh viện lớn không còn xa lạ, nhưng nhờ chiêu trò quảng cáo vẫn thu hút được nhiều người tìm đến làm đẹp, không ít người trong số đó gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Hệ lụy từ “bẫy” làm đẹp

Sự lập lờ trong tên gọi của các thẩm mỹ viện, Spa,... đã gây ra sự hiểu lầm cho người dân vì không thể phân biệt được đâu là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Thời gian qua, nhiều khách hàng làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không có chuyên môn phải đến bệnh viện điều trị phục hồi do các biến chứng nặng.

Gần đây nhất, Bệnh viện Trưng Vương ghi nhận có một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng và hoại tử vùng thái dương do tiêm chất làm đầy. “Em phải mất nhiều thời gian, công việc của em cũng bị hoãn lại hết. Mọi thứ của em đều dừng lại vì em tiêm cái này. Giờ không biết khi nào mới bình thường trở lại, nhiều khi nghĩ em không muốn sống”, bệnh nhân cho biết.

Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Điểm chung của các trường hợp này là làm đẹp tại các spa, chăm sóc da, tiệm uốn tóc, là những đơn vị không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực không có chuyên môn và hoàn toàn không được cấp phép. Các sản phẩm đưa vào cơ thể của bệnh nhân không được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Thông thường những ca nhập viện thường bị trễ, đã biến chứng nặng nhưng các cơ sở thẩm mỹ này vẫn cố xử lý. Có nhiều trường hợp phải vào bệnh viện điều trị hơn một năm mới phục hồi”.

Còn bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ: "Đặc trưng của khách hàng khi làm đẹp tại những viện thẩm mỹ nếu không đạt yêu cầu họ sẽ thường giữ im lặng. Ngược lại, nếu có những biến chứng gây viêm nhiễm nặng thì khách hàng buộc phải đến bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, những trường hợp đó chỉ là bề nổi mà chúng ta có thể nhìn thấy được.

Một cơ sở làm đẹp không chuẩn chưa hẳn đã giả mạo, nhưng thường những cơ sở giả mạo sẽ không chuẩn. Chính vì vậy, khách hàng làm đẹp tại các cơ sở này sẽ khó lường trước được những kết quả không như mong muốn".

Điển hình, ngày 15/6 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Gia Lai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 1 năm đối với Viện Thẩm mỹ 108 Hà Nội vì hoạt động khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, nhân viên của bệnh viện này còn mạo danh bác sĩ bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để lôi kéo khách.

Tại Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?”, theo Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ thì có đến 25.000 - 30.000 ca biến chứng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sự cố y khoa gồm: Chẩn đoán chậm trễ; thiếu trang thiết bị, nhân lực phù hợp; thất bại trong thời gian theo dõi; tác hại do dùng quá nhiều loại thuốc; nhiễm trùng bệnh viện; phẫu thuật sai vị trí; thiếu trang thiết bị; huyết khối tĩnh mạch loét tì đè; sự cố do môi trường tương tác,…Thậm chí một sự cố mất điện đột ngột cũng có thể dẫn đến sự cố y khoa.

Uy tín của các bệnh viện bị ảnh hưởng

Thời gian gần đây, những cơ sở thẩm mỹ có tên “Phẫu thuật thẩm mỹ viện Chợ Rẫy”, “Thẩm mỹ viện Chợ Rẫy”, “Viện Phẫu thuật thẩm mỹ 108 Hà Nội - Cơ sở Sài Gòn”, “Bệnh viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn” đã sử dụng tên “na ná” các bệnh viện lớn để quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ cho khách hàng.

Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy gửi đơn khẩn cấp đến Công an TP.HCM về việc phát hiện một công ty lập ra các fanpage, trang facebook giả mạo thương hiệu của bệnh viện. Cụ thể, bệnh viện nhận được phản ánh từ người dân nghi ngờ về các fanpage, facebook có tên “Viện Thẩm Mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn”, “Khoa phẫu thuật Thẩm mỹ viện Chợ Rẫy” của cơ sở thẩm mỹ có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM. Cơ sở thẩm mỹ này đã lập các trang facebook giả mạo, sử dụng thương hiệu và uy tín của Bệnh viện Chợ Rẫy để hoạt động kinh doanh về thẩm mỹ.

fa
Hoạt động quảng cáo trên facebook của thẩm mỹ viện vẫn lấy tên ná ná giống với bênh viện Chợ Rẫy.

Theo ghi nhận thực tế của PV, cơ sở thẩm mỹ có địa chỉ tại 792 Trường Chinh, Phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM đã đổi tên thành “Viện thẩm mỹ 792 C.R” sau những sai phạm. Điều đáng nói, các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, cơ sở này vẫn sử dụng tên “Viện Thẩm Mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn” và “Khoa Phẫu Thuật Thẩm Mỹ Bệnh Viện C.Rẫy” để thu hút khách hàng.

v
Thực tế, bảng hiệu của cơ sở thẩm mỹ này lại khác với những bài quảng cáo trên facebook.

Chính những việc này đã làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu và uy tín của bệnh viện. Ngoài ra, việc cố tình đặt tên các cơ sở làm đẹp “ăn theo” tên các bệnh viện lớn để trục lợi từ khách hàng và gây ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện. Quan trọng hơn, khách hàng dễ bị đánh lừa nếu không tìm hiểu cụ thể khi lựa chọn các cơ sở làm đẹp thì dễ có những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo quy định của pháp luật, có thể chia các cơ sở cung ứng “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm.

Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp.

Đây là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và đầu cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và đầu tư cấp. Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Các cơ sở này phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Nhóm 3: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ.

Đây là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và đầu tư cấp, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Võ Liên - Như Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Hệ luỵ từ 'bẫy' làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ giả mạo thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023