Hành trình từ những lần chăn nuôi 'thua lỗ' đến 'nhà sáng chế' nổi tiếng
Ông Đinh Văn Sơn (59 tuổi), ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An được người dân địa phương trìu mến gọi là kỹ sư hay nhà khoa học “chân đất”.
Người dân ở ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước tỉnh Long An vốn đã quen với cái tên "kỹ sư chân đất" Đinh Văn Sơn. Với đức tính chịu khó, ham học hỏi và mày mò trong công việc, ông đã gắn cuộc đời mình với những sáng chế thiết thực.
Trình độ chỉ lớp 6 trường làng nhưng ông Sơn đã sở hữu cho mình một “gia tài” đồ sộ mà ai cũng phải trầm trồ nể phục. Gia tài ấy không phải là thứ vật chất bên ngoài mà chính là hàng loạt những sáng chế kỹ thuật rất hữu dụng, phục vụ đắt lực cho ngành nông nghiệp từ giản đơn như máy trộn, máy cắt rau, máy nghiền đến các thiết bị kỹ thuật phức tạp như máy bắt rầy tự động, máy nén viên cám,…
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Long Cang, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) trong gia đình nông dân nên ông Đinh Văn Sơn đã quá quen thuộc với ruộng đồng, chăn nuôi. Bao vất vả, cực nhọc của người nông dân, ông đều thấu hiểu.
Do ruộng đất ít nên nhiều năm, ông và vợ còn mua một chiếc ghe đi mua lúa, tràm bán kiếm lời ở vùng Đồng Tháp Mười. Sau 20 năm cùng vợ bươn chải mưu sinh dọc ngang vùng sông nước, năm 2006, ông và vợ quyết định bán chiếc ghe lấy 150 triệu đồng về nhà chăn nuôi heo, cá, gà, vịt.
Không dễ như suy tính ban đầu, 2 năm đầu, ông lỗ gần hết vốn. Cũng từ đó, ông suy nghĩ, tính toán lại thì nhận ra rằng, trong chăn nuôi, ngoài giá cả, dịch bệnh thì còn có phần giá thức ăn công nghiệp cao.
“Thế nhưng, chăn nuôi không phải vài con mà quy mô hàng trăm con thì làm sao để sử dụng được nguồn phế phẩm này từ ngày này qua ngày khác mà không bị hư? Câu hỏi tự đặt ra và tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm ra chiếc máy để ép, sấy khô những phế phẩm đó và xay thành cám để giữ lại lâu dài làm thức ăn cho heo, gà, cá sử dụng được dài ngày” - ông Đinh Văn Sơn chia sẻ.
Những suy tư, ấp ủ ấy cứ mãi thôi thúc trong ông. Vào năm 2010, Nhà nước có chương trình hỗ trợ nghề cho nông dân, ông Sơn liền đăng ký học lớp hàn, tiện tại Trung tâm dạy nghề thuộc huyện Bến Lức (Long An). Trong thời gian gần 6 tháng tham gia lớp học, ông Sơn đã có những cải tiến đối với các phương tiện sửa chữa thông dụng. Chính những cải tiến này, ông đã được Ban Giám hiệu Trung tâm biểu dương và đưa những công cụ này áp dụng vào trong thực tế.
Sau khi hoàn thành khóa học, ông Sơn tìm tòi để sáng tạo ra chiếc máy ép sấy cám viên. Với máy này, ngoài sử dụng cám gạo, cám, ngô, ông Sơn còn có thể dùng phế phẩm cá, súc sản chế biến của các công ty gần nhà hoặc cơm thừa của bếp nấu suất ăn công nghiệp hay tôm, cua, sò, ốc, rau củ quả từ các chợ…Với những nguyên liệu này, rất dễ tìm kiếm hay đánh bắt, giá rẻ còn có thể dùng tươi, ướt không cần phơi khô.
Theo ông Đinh Văn Sơn, những thức ăn này được tự động đưa vào băng tải, qua hệ thống sấy từ 15-20 phút sẽ tạo thành viên cám khô. Trung bình một giờ, máy sản xuất được 60-80kg cám thành phẩm. Do chỉ cần một người pha trộn và vận hành máy, trừ giá nguyên liệu đầu vào cùng các chi phí phụ khác, trung bình giá thành thức ăn giảm từ 30-40%. Đồng thời, khi vận hành, máy còn có thể tiết kiệm điện năng, tăng năng suất, giảm thời gian cho người sử dụng. Từ đó, lợi nhuận của người dân cũng được tăng lên.
Ông Đinh Văn Sơn cho biết, bản thân cũng là nông dân, thấy ngành chăn nuôi, trồng trọt của nông dân mình gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu đầu vào và vấn đề ảnh hưởng môi trường. Việc sáng chế ra máy ép sấy cám viên vừa giải quyết được thức ăn đầu vào giá thành thấp, vừa tận dụng phế phẩm bên ngoài bỏ ra như tôm, cá, ốc bươu vàng, rau củ quả bị hư… cộng với phụ phẩm nông nghiệp như cám rất rẻ tiền để tận dụng, phối hợp làm ra viên cám.
Sau khi chế tạo chiếc máy ép sấy cám viên thành công, ông Đinh Văn Sơn cho ra đời máy tự vận hành hút rầy và côn trùng có hại trên đồng ruộng. Máy có nhiều ống được ghép lại với nhau như răng lược, khi di chuyển trên đồng, vừa đi vừa kéo theo dàn hút, đưa vào vị trí rầy nằm ở gốc lúa. Khi thao tác trên đồng, máy chuyển động sẽ khiến cây lúa rung nhẹ, rầy rơi ra, máy sẽ hút vào, không phải phun xịt. Hiện tại, máy có thể hút được khoảng 85% rầy trên đồng ruộng, 15% rầy còn lại sẽ tự rơi xuống nước và chết, thậm chí cả cào cào, châu chấu phá lúa cũng bị hút vào.
Những sản phẩm do ông Sơn chế tạo, đã được nhiều nông dân không những trong tỉnh và cả các tỉnh phía Bắc, miền Trung đến tìm hiểu và mua về sử dụng.
Ngoài những sáng chế máy móc ứng dụng trong nông nghiệp, ông Sơn còn tự sáng chế, thiết kế, lắp đặt các thiết bị cho căn nhà lầu đang ở. Căn nhà được thiết kế, xây dựng theo kiểu vừa hiện đại, vừa truyền thống. Điều đặc biệt, ông còn tự thiết kế và lắp đặt hệ thống thang máy trong nhà và hệ thống điều khiển đóng, mở cổng từ xa.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo