Hành lang pháp lý là xương sống trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất
Để bảo vệ vùng đất ngập nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách cũng như triển khai bảo vệ bằng những hành động thực tiễn.
Khu vực đất ngập nước (ĐNN) ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân cũng như đóng vai trò lớn trong đời sống văn hóa - xã hội. Để bảo vệ vùng ĐNN, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách cũng như triển khai bảo vệ bằng những hành động thực tiễn.
Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN
Vùng ĐNN là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 06 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất. Vùng ĐNN có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường nhờ các chức năng: Nạp, tiết nước ngầm; Lắng đọng trầm tích, độc tố; tích lũy chất dinh dưỡng; Hạn chế lũ lụt; duy trì đa dạng sinh học; Chắn sóng, gió bão và ổn định bờ biển, chống xói lở, hạn chế sóng thần,…
Các vùng ĐNN cũng là nơi sản xuất cung cấp phần lớn lương thực, thực phẩm cho con người. Hơn 3,5 tỉ người trên thế giới được nuôi sống nhờ nguồn gạo được sản xuất từ các vùng ĐNN. ĐNN còn có vai trò rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, 40% số loài trên thế giới sống ở vùng ĐNN.
Tại Việt Nam, tổng diện tích ĐNN khoảng 12 triệu ha, được phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước với sự đa dạng về các kiểu loại và phong phú về đa dạng sinh học (ĐDSH). Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái (HST) nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở HST ĐNN biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú.
Ở nước ta, khu vực châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam là hai cái nôi cung cấp phần lớn thóc, gạo, cá, tôm và các loại lương thực, thực phẩm khác cho cả nước. Hiện nay, hơn 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ việc nuôi trồng, đánh bắt trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN là một trong những mục tiêu ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của các vùng ĐNN đối với việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn, khai thác, sử dụng các vùng ĐNN.
Năm 1989, ưu tiên này được thể hiện bằng hành động cụ thể khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Khu vực Đông Nam Á, thứ 50 trên thế giới gia nhập Công ước về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế - Công ước Ramsar.
Sau khi trở thành thành viên của Công ước Ramsar, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy định. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 10 văn bản có những quy định trực tiếp về ĐNN. Trong đó, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 (được thay thế bằng Nghị đinh 66/2019/NĐ-CP, ngày 29/7/2019) của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp đến bảo tồn, sử dụng bền vững ĐNN để thực thi Công ước Ramsar.
Bên cạnh đó, Luật Đa dạng sinh học 2008 được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa vào nội dung về vùng ĐNN quan trọng và dịch vụ hệ sinh thái ĐNN phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản. Trong các yếu tố nhạy cảm về môi trường để phân loại dự án đầu tư có bao gồm các vùng ĐNN quan trọng…
Nhiều kết quả đáng mừng
Qua quá trình triển khai thực hiện, chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận 9 khu ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) gồm: 7 Vườn quốc gia (Xuân Thủy, Nam Định; Ba Bể, Bắc Kạn; Bầu Sấu - Cát Tiên, Đồng Nai; Tràm Chim, Đồng Tháp; Mũi Cà Mau, Cà Mau; Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu; U Minh Thượng, Kiên Giang) và 2 khu bảo tồn thiên nhiên (Láng Sen, Long An; Vân Long, Ninh Bình). Đồng thời, Việt Nam cũng kiểm soát và hạn chế các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên ĐNN, đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng ĐNN; Nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên ĐNN.
Tuy nhiên, việc bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái ĐNN vẫn còn một số hạn chế. Trong khai thác, sử dụng, chưa chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị cốt lõi, lâu bền của các vùng ĐNN; Chưa kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng tài nguyên ĐNN; hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là các chế tài quản lý hoạt động khai thác, sử dụng các vùng ĐNN đối với các đối tượng liên quan chưa toàn diện, đồng bộ, thống nhất; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong bảo tồn, sử dụng các vùng ĐNN chưa chặt chẽ, hiệu quả, ...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, sử dụng các vùng ĐNN, trước hết, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các thành phần, lực lượng liên quan hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các vùng ĐNN; Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng đối với việc bảo tồn, sử dụng các vùng đất giá trị này.
Đi kèm với đo, chúng ta cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác, sử dụng các vùng ĐNN; Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động bảo tồn với khai thác, sử dụng, ưu tiên hoạt động bảo tồn các khu vực có giá trị bền vững, lâu dài. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thống kê, kiểm kê, điều tra, đánh giá và quan trắc các vùng ĐNN, nhất là các vùng có vị trí quan trọng cấp quốc gia, quốc tế; Coi trọng xây dựng, bảo đảm nguồn lực con người, tài chính, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, bảo tồn, sử dụng các khu vực ngập nước; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và với các tổ chức quốc tế,… nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng ĐNN, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Việt Nam cần làm gì để bảo vệ và phát triển bền vữngvùng ĐNN Theo Luật sư Trần Đình Thắng, Công ty Luật TNHH Kosy (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) thì: “Để thực thi những chính sách pháp luật hiệu quả trong việc bảo vệ và phát triển bền vững vùng ĐNN, Việt Nam cần thực hiện đúng theo 3 nguyên tắc cơ bản. Đó là, nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng ĐNN; Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng ĐNN và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng ĐNN; Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái ĐNN. Thành công bước đầu tại các mô hình quản lý rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh); Bảo vệ rừng dừa nước tại Cẩm Thanh (Quảng Nam); Đồng quản lý và chia sẻ nguồn gen ở các Vườn quốc gia và Khu Ramsar Xuân Thủy (Nam Định); Tràm Chim (Đồng Tháp) là dẫn chứng sinh động nhất”. |
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường