Hà Tĩnh: Thả 8,6 tấn cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong năm 2020
Trong năm 2020, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành thả 4 đợt giống cá với hơn 8,6 tấn giống nhằm bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản là một hoạt động có ý nghĩa to lớn nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt; góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái.
Trong năm 2020, Hà Tĩnh đã hả 8,6 tấn cá giống nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản |
Năm 2020, thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh, Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh đã phối hợp với UBND các huyện: Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc tiến hành thả 4 đợt giống cá với hơn 8,6 tấn giống nhằm bổ sung tái tạo nguồn lợi tại các hồ Kẻ Gỗ - Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), đập Khe Mơ - Sơn Hàm (huyện Hương Sơn), Hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang), hồ Nhà Đường - Thiên Lộc (huyện Can Lộc).
Các loại giống thuỷ sản được thả ra các hồ đập trên địa bàn bao gồm: cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi,…được cung cấp bởi Hợp tác xã giống thuỷ sản Đô Lương- Nghệ An. Cá giống khỏe mạnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thả ra các hồ đập lớn.
Thông qua hoạt động thả cá nhằm tuyên truyền cho cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, từ đó cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và cho thế hệ mai sau.
Đồng thời đây là dịp để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản; tăng cường quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xung điện, thuốc nổ, hóa chất để khai thác thủy sản tận diệt.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm