Hà Nội yêu cầu bán đúng giá niêm yết các mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các Phòng, Đội Quản lý thị trường siết chặt việc thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Theo chỉ thị mới nhất, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì việc trang bị nước sát khuẩn để sát khuẩn tay tại đơn vị, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang nơi công cộng và khi tham gia giao thông.
Đồng thời, Cục cũng yêu cầu các đơn vị Quản lý thị trường chủ động hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá bán bất hợp lý đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được công bố hợp quy hàng dệt may, không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa có đầy đủ chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng, không găm hàng, đầu cơ tích trữ.
Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã cảnh báo, trên thị trường xảy ra tình trạng một số đối tượng lợi dụng dịch bệnh virus corona để thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng, như khẩu trang y tế dùng một lần và bán lại.
Những diễn biến dịch diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường khiến người dân đổ xô đi mua và tích trữ khẩu trang y tế dẫn tới việc khan hiếm hàng hoá cũng như giá thành bị đẩy lên cao. Chính vì vậy, Tổng cục Quản lý thị trường đã tích cực ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ hàng hoá, tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: Nếu sản phẩm bị làm giả, tái sử dụng, vi phạm nguyên tắc an toàn có thể gây nên những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân. Chính vì thế, các đơn vị liên quan cần làm việc với Bộ Y tế để có cơ chế tiêu hủy khẩu trang đã qua sử dụng, quản lý chặt chẽ thị trường, đấu tranh mạnh mẽ việc găm hàng, trục lợi, đầu cơ và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, gắn phối hợp với chính quyền địa phương. Bộ Công Thương sẽ sớm thành lập Tổ công tác kiểm tra, kiểm soát chấp hành quy định chung về đấu tranh chống đầu cơ găm hàng, tăng giá vật phẩm y tế, đặc biệt ở địa bàn có nguy cơ cao.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương kiểm soát tình hình sản xuất, xuất khẩu khẩu trang… để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch trong nước.
Tại tâm dịch Đà Nẵng, ngay sau khi những diễn biến mới nhất của dịch Covid-19 xuất hiện, ngày 26/7, Công an quận Cẩm Lệ - Đà Nẵng bất ngờ kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 2 lô hàng với số lượng 158 hộp khẩu trang có dấu hiệu nhập lậu.
Tại thời điểm kiểm tra, làm việc với cơ quan chức năng, chủ 2 lô hàng trên đều không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số hộp khẩu trang trên.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo