Hà Nội: Siết chặt quản lý, kiểm soát sản phẩm thực phẩm nhập từ các tỉnh
Sở Công Thương Hà Nội vừa có báo cáo số 536/BC-SCT gửi Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm...
Thời gian qua, song song kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của địa phương; Công tác phân công, phân cấp và phối hợp trong quản lý, công tác thông tin, tuyên truyền…, các phòng chuyên môn trực thuộc Sở Công Thương Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 331 lượt cơ sở, 10 chợ hạng 1. Kết quả, số lượt vi phạm là 94, xử phạt 73 lượt với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
Siết chặt quản lý, kiểm soát sản phẩm thực phẩm từ các tỉnh nhập vào Hà Nội (ảnh minh họa) |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, qua kiểm tra, các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đầy đủ giá, kệ; nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm, bụi, hóa chất độc hại và các yếu tố gây hại khác; sử dụng người trực tiếp sản xuất thực phẩm không đáp ứng kiến thức vềan toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; chủ cơ sở sản xuất thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; cống rãnh thoát nước thải không được che kín; hàng hóa có nhãn không ghi đúng nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hoá theo quy định pháp luật về nhãn hàng hoá, kinh doanh sản phẩm rượu không đúng đối tượng, nội dung trong giấy phép rượu...
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (giai đoạn còn trực thuộc Sở Công Thương) cũng đã tiến hành kiểm tra và xử lý 6.485 lượt cơ sở với số tiền hơn 32,8 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 397 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh rượu, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 622 đoàn kiểm tra, đã kiểm tra 14.337 cơ sở, số cơ sở vi phạm 1.680 cơ sở, xử phạt hành chính trên 2 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 1.221 vụ, xử lý 1.025 vụ, không xử lý 106 vụ, tạm giữ tịch thu 52.029 lít và 4.141 chai rượu các loại.
Cùng với việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và công tác phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, Sở Công Thương cũng đã tập trung thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”. Đáng chú ý, UBND các quận trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè thuộc 12 quận…
Từ thực trạng quản lý trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển các sản phẩm thực phẩm từ các tỉnh nhập vào Hà Nội cũng như thực phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm