0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 27/07/2020 06:53 (GMT+7)

Hà Nội phạt nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao phí bảo trì

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 632 ban quản trị nhà chung cư được thành lập, tuy nhiên chỉ mới 399 tòa đã bàn giao kinh phí bảo trì.

Theo phản ánh của cử tri, phần lớn những chung cư chậm bàn giao kinh phí bảo trì tập trung ở các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân.

Đơn cử như quận Bắc Từ Liêm, có 114 chung cư thuộc diện phải lập ban quản trị và bàn giao quỹ bảo trì. Song, chỉ có 76/114 tòa chung cư đã thành lập ban quản trị, và trong số đó có tới 22 tòa chưa bàn giao quỹ bảo trì.

Mới có 399/632 nhà chung cư bàn giao phí bảo trì

Hay ở quận Nam Từ Liêm là một trong những quận có số lượng tòa chung cư cao nhất TP với 117 KĐT, khu nhà ở, chung cư chia thành 159 tòa nhà. Tuy nhiên, trong đó có 32 tòa nhà chưa được thành lập ban quản trị và 37 tòa nhà chưa tiến hành bàn giao kinh phí bảo trì 2%.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở quận Thanh Xuân. Quận này có 112 tòa chung cư đã đưa vào sử dụng, nhưng chỉ mới có 90 tòa thành lập Ban quản trị và 7 tòa chưa bàn giao phí bảo trì.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng đã kiểm tra 79 nhà chung cư, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với số tiền 860 triệu đồng.

Dễ xảy ra bất cập từ chủ đầu tư đến ban quản trị

Theo Luật sư Đặng Thành Ngữ, thành viên của Công ty Luật TNHH Đức Thành thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, phí bảo trì được hiểu là chi phí dùng để cải tạo, sửa chữa những hạng mục, hệ thống của tòa nhà sau khi được đưa vào sử dụng (thường là 2%).

Khi mua nhà, người mua sẽ nộp phí bảo trì cho chủ đầu tư. Sau khi ban quản trị tòa nhà được thành lập, chủ đầu tư sẽ bàn giao số tiền này cho ban quản trị.

Đây là số tiền không hề nhỏ, do đó hoàn toàn có thể xảy ra những bất cập, chẳng hạn chủ đầu tư sử dụng không đúng mục đích, hoặc chủ đầu tư "bắt tay" với ban quản trị để quản lí số tiền này. Thậm chí, không ít trường hợp bản thân những người được cư dân bầu vào ban quản trị cũng có thể nảy sinh lợi ích nhóm.

"Luật Nhà ở năm 2014 quy định, chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì trong 7 ngày kể từ khi ban quản trị được thành lập, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, để đi đến quyết định cưỡng chế, ban quản trị sẽ tốn không ít thời gian và công sức. Bên cạnh đó, chế tài xử lí của pháp luật đối với hành vi này hiện vẫn chưa đủ mang tính răn đe với các chủ đầu tư", ông Ngữ nói.

"Chủ đầu tư lớn thường minh bạch về phí bảo trì"

Tình trạng chậm bàn giao phí bảo trì chung cư là câu chuyện "cũ mà mới". Đã từng có nhiều dự án, chủ đầu tư "om" tiền vài năm, thậm chí cả hàng chục năm.

Dọc đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) có đến hai chung cư chậm bàn giao phí bảo trì

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Quản lý và bảo trì toà nhà Việt Nam (VBMA) nhận định, khoảng 1-2 năm trở lại đây, tình trạng chậm bàn giao phí bảo trì chung cư nhìn chung đã giảm. Các chủ đầu tư ngày càng làm việc chuyên nghiệp, công khai và minh bạch.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm bàn giao quỹ bảo trì: Do năng lực của chủ đầu tư; do thỏa thuận khi mua bán nhà không rõ ràng hoặc chủ đầu tư chiếm dụng sai mục đích, nhập số tiền này vào tài khoản của mình để kinh doanh...", ông Hùng nói.

Bản thân từng mua nhà chung cư, ông Hùng cho rằng người mua nhà cần ý thức được lợi ích của mình, đầu tiên cần tìm hiểu về năng lực của chủ đầu tư, về những dự án đã đi vào hoạt động trước đó của họ.

Bên cạnh đó, khi thực hiện hợp đồng mua bán, ưu tiên lựa chọn điều khoản nộp phí bảo trì vào một tài khoản được chủ đầu tư lập riêng, không liên quan đến tài khoản mua bán căn hộ. Những chủ đầu tư lớn thường công khai, minh bạch số tiền 2% này.

"Vừa qua tôi có trao đổi với Sở Xây dựng TP Hà Nội. Thời gian sắp tới, Sở sẽ tập trung rà soát, thanh tra về hoạt động của các chung cư trên địa bàn TP, đặc biệt là vấn đề bàn giao quỹ bảo trì theo quy định", ông Hùng cho biết.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội phạt nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao phí bảo trì. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới