0915 15 67 76 [email protected]

Hà Nội: Đến 2025, 100% chất thải nguy hại phát sinh làng nghề được xử lý đạt chuẩn

100% chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làng nghề phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường vào năm 2025.

Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có Tờ trình số 6304/TTr-STNMT-CCBVMT về việc phê duyệt đề án “Thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất, đến năm 2025, trên địa bàn thành phố: 100% chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làng nghề phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường. 85% chất thải nguy hại điện, điện tử, ắc quy và pin thải các loại phát sinh từ hoạt động sinh hoạt tại các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại phát sinh làng nghề được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn

Thành phố phấn đấu đến năm 2030, tất cả các loại chất thải nguy hại phát sinh đều được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải nguy hại nhằm triển khai các quy định của pháp luật về chất thải nguy hại tại tất cả các cấp trên địa bàn thành phố. Xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phù hợp với điều kiện thực tế tại thành phố theo từng loại nguồn thải, nhằm tăng tỷ lệ thu gom, xử lý.

Bên cạnh đó, đầu tư các cơ sở xử lý đạt quy chuẩn môi trường, phù hợp với quy hoạch được duyệt, nhằm chủ động xử lý chất thải nguy hại của Hà Nội ngay tại Hà Nội; hạn chế và tiến tới loại bỏ việc tự xử lý tại nơi phát sinh có sử dụng công nghệ đốt hoặc chôn lấp; giảm dần về số lượng các cơ sở xử lý quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho hoạt động xử lý, trong đó, khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý chuyên sâu đối với một số loại chất thải nguy hại đặc thù, song song với việc phát triển các cơ sở xử lý theo hướng tái chế, xử lý đa dạng các loại chất thải nguy hại. Khuyến khích việc liên kết, chuyển giao giữa các cơ sở xử lý để phát huy thế mạnh về công nghệ xử lý của từng cơ sở trong quá trình xử lý. Ưu tiên hoạt động xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể; cộng đồng dân cư về việc quản lý ngay từ nguồn thải; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị quản lý, vận hành các khu, cụm công nghiệp trong việc tổ chức thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại của các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc xử lý theo hướng tái chế, tái sử dụng chất thải nguy hại. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế liên quan đến quản lý và xử lý chất thải nguy hại và bảo vệ môi trường.

Thực hiện nhiều biện pháp hạn chế ô nhiễm tại các làng nghề 

Năm 2019 - 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã in ấn phát hành 4.000 cuốn sổ tay bảo vệ môi trường làng nghề kết hợp tuyên truyền trên báo chí và truyền hình, hướng dẫn các hộ sản xuất thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, từ năm 2010 đến nay, phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về thực trạng các vấn đề sản xuất và ô nhiễm tại các nhóm làng nghề; phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại và Tổ chức sự kiện Newstar, chính quyền địa phương và các đoàn thể tổ chức Chương trình “Roadshow - Nâng cao nhận thức tuyên truyền xanh”; tổ chức cuộc thi “Hành động đẹp vì môi trường làng nghề”.Năm 2020 và những năm tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố. Kết quả đánh giá phân loại làng nghề là một bộ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý về môi trường làng nghề, là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, phối hợp với đơn vị có chức năng, xây dựng cơ chế chính sách kêu gọi thu hút đầu tư đối với hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành, trực tuyến phục vụ quản lý, phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố. Triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động để phục vụ nhu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề.

Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức rà soát thống nhất về đối tượng, nội dung thực hiện đánh giá tác động môi trường cho từng làng nghề; tăng cường rà soát, đôn đốc các cụm công nghiệp làng nghề lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, theo dõi giám sát theo quy định…

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đến 2025, 100% chất thải nguy hại phát sinh làng nghề được xử lý đạt chuẩn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.