Hà Nội có 117 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực
Ngày 13/1, Sở Công Thương Hà Nội có Báo cáo số 08/BC-SCT về kết quả thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2020.
Năm 2020, đã có 26 sản phẩm của 19 doanh nghiệp được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực với doanh thu ước đạt 67.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm thực hiện đề án, chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2018-2020 đã đạt và vượt.
Cụ thể, đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố (bằng 146,25% so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2018-2020). Doanh thu của 77 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2020 ước đạt gần 200 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 2 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Trong số 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp được công nhận SPCNCL thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, có: 22 doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 đạt trên 1.000 tỷ đồng (trong đó 1 doanh nghiệp có doanh thu trên 40.000 tỷ đồng, 7 doanh nghiệp có doanh thu trên 5.000 tỷ đồng); 15 doanh nghiệp thuộc nhóm sản phẩm công nghệ cao; 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có những thương hiệu toàn cầu như TOTO, CANON, PANASONIC... Đây thực sự là những sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức mạnh, sức lan tỏa và đóng góp lớn cho nền kinh tế Thủ đô.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa của chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực thời gian tới, Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố đánh giá toàn diện các kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm. Từ đó, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, xứng tầm dành riêng cho các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lựcthành phố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời, tạo sức hút để doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình.
Liên quan đến nhiệm vụ trên, các sở, ban, ngành thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xem xét xây dựng các nội dung hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trong các chương trình, đề án, kế hoạch hằng năm của đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố khi đến giao dịch.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm