Hà Giang đẩy mạnh phát triển gia súc ăn cỏ
Tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách cụ thể và hiệu quả hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững.
Hà Giang được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế chăn nuôi đại gia súc. Để tạo đột phá cho lĩnh vực này, UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Với kinh nghiệm và truyền thống nuôi trâu, bò, ngựa... từ lâu đời nên đại gia súc đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông).
Ngoài cung cấp sức kéo trong nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa; trâu, bò, ngựa còn là nguồn thu nhập có giá trị kinh tế cao so với các loài gia súc khác. Vì vậy, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững và từng bước có tích lũy từ đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo hướng hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ.
Nhằm tận dụng và phát huy lợi thế của vùng cao nguyên đá, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách cụ thể và hiệu quả hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững.
Hà Giang đẩy mạnh phát triển gia súc ăn cỏ
Ông Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyên Bắc Quang (Hà Giang) cho biết: Mô hình phát triển chăn nuôi bò lai Brahman của gia đình anh Mạc Văn Tình là mô hình chăn nuôi bò lai thành công đầu tiên trên địa bàn huyện Bắc Quang. Đây cũng là mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2015, anh Tình ở thôn Thống Nhất, xã Vĩnh Hảo, Bắc Quang, Hà Giang đã tìm hiểu và dùng số tiền 400 triệu đồng để đầu tư mua 18 con bò giống Brahman từ một trung tâm chuyên sản xuất giống bò tại Hà Nội.
Bò lai Brahman có thể lực tốt, khả năng thích nghi cao đối với khí hậu nhiệt đới hanh khô, nhất là khả năng chịu đựng với các điều kiện thời tiết bất thuận như trời lạnh và biên độ nhiệt ngày đêm lớn. Ngoài ra, giống bò Brahman sử dụng thức ăn thô tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, giai đoạn vỗ béo bò có thể tăng trưởng từ 1,2 – 1,5 kg/ngày; bò có khả năng kháng tốt các bệnh về mắt và móng, kháng ve tốt hơn so với các giống bò bản xứ…
Người Hà Giang phát triển đàn gia súc lớn. Ảnh Báo Hà Giang
Đến giữa năm 2019, bình quân mỗi con bò đạt trọng lượng 500 – 550 kg. Anh Tình đã xuất bán số bò trên được tổng số tiền gần 700 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng. Anh Tình chia sẻ: Kỹ thuật chăn nuôi bò lai Brahman cũng không khác nhiều với so với kỹ thuật chăn nuôi đối với các giống bò địa phương. Chỉ có khác là nhu cầu về thức ăn tinh đối với bò Brahman cao hơn so với các giống bò địa phương.
Sau khi bán số bò trên, từ tháng 7/2019, anh Tình tiếp tục mua 30 con bò giống Brahman về nuôi, hiện nay đàn bò đang phát triển tốt và cuối năm 2020 sẽ tiếp tục xuất bán.
Từ khi phát triển chăn nuôi bò Brahman, ngoài bán bò thịt, nguồn phân hữu cơ do chăn nuôi bò đã giúp vườn cam gia đình anh Tình phát triển tốt, tiết kiệm được nguồn tiền phải đầu tư mua phân bón vô cơ.
Đây cũng chính là mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân từng bước vươn lên làm giầu từ mô hình kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm