'Giờ vàng' quyết định thành công hay thất bại trong chống dich COVID-19
15 ngày tới được coi là “giờ vàng” quyết định chúng ta thành công hay thất bại trong chống dịch.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã kết nối với các điểm cầu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ để họp bàn và thảo luận về các biện pháp chống dịch trong "giai đoạn vàng" của công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thường trực Chính phủ tổ chức làm việc trực tuyến với 5 thành phố thuộc Trung ương là bởi các địa phương này, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dân cư đông, mật độ lớn, nhu cầu tiếp xúc tập thể rất lớn.
Thời qua qua, 5 thành phố đã làm nhiều việc chống dịch COVID, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kiên quyết Chỉ thị 15 của Thủ tướng có hiệu lực từ 0h ngày 28/3 và đạt kết quả bước đầu.
Thủ tướng nêu rõ, 15 ngày tới là “giờ vàng” quan trọng quyết định chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh hay không.
Tại cuộc họp hôm nay, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe các địa phương báo cáo tình hình cụ thể trên địa bàn để kiểm tra tình hình cũng như quyết tâm chính trị trong chống dịch, nhất là các biện pháp mới, quyết liệt, cụ thể hơn.
Thủ tướng đề nghị các địa phương làm rõ hơn, góp ý cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về các biện pháp phòng chống dịch để đưa ra các phương thức giải quyết vấn đề sát nhất với thực tiễn.
“Chủ trương của Trung ương phải sát cơ sở, sát địa phương, nhất là các thành phố lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp này, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của ngành y tế tại các địa phương trong công tác điều trị và cách ly cho các bệnh nhân tại các cơ sở, không để tình trạng có người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 xảy ra từ đầu mùa dịch cho tới nay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tính đến 8h sáng nay, 29/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 của Việt Nam lên 179. Trong đó, có 21 ca bệnh đã được điều trị khỏi hoàn toàn, nhiều trường hợp đã nhận được kết quả âm tính lần đầu, 2 trong số 3 ca bệnh diễn tiến nặng trước đó cũng đã có dấu hiệu hồi phục tích cực sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Nhiệt dới Trung ương cơ sở 2.
Ngoài ra, tính đến nay, nước ta cũng đã đã tổ chức cách ly an toàn cho 34.776 người tại các khu cách ly tập trung, 943 người tại cơ sở y tế, 39.519 người tại nhà, nơi lưu trú chưa kể các ổ dịch mới phát sinh.
Hiện tại, Việt Nam đã xuất hiện tình trạng lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới đây do các trường họp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
Báo cáo thống kê cho thấy có tới 60,1% không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho việc phòng chống. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm COVID-19 ở cộng đồng sẽ khá cao.
Đối với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã triển khai nhanh chóng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Từ ngày 26/3 đến nay đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm lần lượt cho toàn bộ các nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị tại bệnh viện, số mẫu đã lấy sàng lọc SARS-CoV-2 tính đến 8 giờ ngày 27/3 là 5.419 mẫu.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo