Giải mã chiêu trò của các cơ sở làm đẹp
Ngoài việc thường chọn những danh xưng hoành tráng như thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ,… nhiều cơ sở làm đẹp còn ngang nhiên sử dụng trái phép tên các bệnh viện lớn.
Kỳ 1: Chọn thương hiệu hoành tráng, “ăn cắp” tên các bệnh viện lớn
Chọn thương hiệu hoành tráng
Làm đẹp đang là nhu cầu rất lớn hiện nay. Ngành làm đẹp có thể coi là “mảnh đất” màu mỡ còn nhiều tiềm năng để khai thác. Chính vì thế, các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội có thể coi là “thủ phủ” hàng đầu của ngành thẩm mỹ.
Theo số liệu năm 2020 của Phòng Quản lý hành nghề khám chữa bệnh - Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cả nước ước tính có khoảng hơn 300 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, tại Hà Nội có khoảng hơn 100 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế TP Hà Nội cấp giấy phép hoạt động và quản lý trực tiếp. Tại TP.HCM, con số này lớn hơn khi thành phố đang quản lý 15 bệnh viện thẩm mỹ; 10 bệnh viện đa khoa có khoa, đơn vị thẩm mỹ; 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 16 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu. Chưa kể, hàng nghìn cơ sở là đẹp khác do UBND quận, huyện, thị xã cấp phép kinh doanh và quản lý.
Tuy nhiên, không phải tất cả cơ sở cung cấp các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành y tế.
Trong đó, nhiều cơ sở chọn những danh xưng hoành tráng như "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ", "trung tâm thẩm mỹ", “thẩm mỹ quốc tế”,… trong giấy phép kinh doanh. Các danh xưng hoành tráng này xuất hiện trên biển hiệu dễ làm cho khách hàng lầm tưởng đây là những cơ sở y tế chuyên môn cao, uy tín có thể thực hiện những kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ. Từ đó, rất nhiều khách hàng đã đặt niềm tin vào nhầm chỗ, dẫn đến hậu quả nguy hiểm về sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, hiện chưa có quy định cụ thể về đặt tên biển hiệu đối với các cơ sở làm đẹp. Việc này gây khó cho công tác quản lý, vì không biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (không thuộc lĩnh vực y tế), cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ (gửi văn bản thông báo về Sở Y tế trước khi hoạt động) và cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (thuộc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và danh mục kỹ thuật).
“Ăn cắp” tên bệnh viện để lừa khách
Ngoài việc sử dụng những danh xưng hoành tráng để “lòe” khách hàng, không ít các cơ sở làm đẹp còn ngang nhiên ăn cắp tên các bệnh viện lớn để hoạt động.
Tháng 11/2019, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh có biển hiểu “Viện Thẩm mỹ Đại học Y” tại địa chỉ 368/7 Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh). Thời điểm kiểm tra, cơ sở xuất trình Giấy đăng ký kinh doanh mang tên ông Nguyễn Tiến Thuận. Cơ sở không xuất trình giấy phép hoạt động thẩm mỹ tuy nhiên lại có thực hiện tiêm Fillter và Botox.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM sau đó đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Thuận về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động, tham mưu UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu ông Thuận ngưng ngay việc triển khai các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại địa chỉ 368/7 Nơ Trang Long; tháo gỡ các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên trang mạng xã hội; che chắn biển hiệu “Viện thẩm mỹ Đại học y” khi cơ sở chưa được cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Đến tháng 3/2020, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục phối hợp Phòng Y tế quận Tân Bình kiểm tra đột xuất cơ sở có biển hiệu “Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy” tại địa chỉ 792 Trường Chinh (Phường 15, quận Tân Bình).
Trước đó, trên Facebook có trang “Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy” thường quảng cáo các dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn, như: Hút mỡ, cắt mí… Việc này khiến nhiều người nghĩ đây là cơ sở của Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước hành vi lấy tên “Chợ Rẫy” gắn vào biển hiệu, từ tháng 11/2019, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Bác sĩ Nguyễn Tri Thức đã có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM phản ánh việc.
Công văn nêu rõ: “Việc cơ sở này sử dụng tên “Chợ Rẫy” của Bệnh viện Chợ Rẫy - một cơ quan Nhà nước - là có động cơ, mục đích và có thể sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến thương hiệu và uy tín của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được Nhà nước giao phó. Bệnh viện kiến nghị các cơ quan sớm xem xét vụ việc theo thẩm quyền, không để cơ sở y tế tiếp tục sử dụng trái phép tên bảng hiệu riêng “Chợ Rẫy” hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn cho người dân”.
Sau kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xác định “Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy” chưa được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Đến tháng 3/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy có đơn gửi đến Công an TP.HCM về việc ông N.G.L. - người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy (địa chỉ tại quận Tân Bình, TP.HCM) có hành vi sử dụng trái phép tên thương hiệu "Chợ Rẫy" để gắn trên biển hiệu hoạt động. Công ty này còn lập Facebook có tên "Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn" và lợi dụng tên các bác sĩ, thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy để hướng dẫn, quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ cho khách hàng.
Sở Kế Hoạch và Đầu tư TP.HCM phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, canh tranh không lành mạnh đối với Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy. Sau đó, ông N.G.L. phải thay đổi tên doanh nghiệp thành Công ty TNHH Viện Thẩm mỹ CRLONG.
Tại Cần Thơ, Chi nhánh Công ty TNHH Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy có trụ sở tại quận Cái Răng cũng là cơ sở do ông N.G.L. đứng tên đại diện theo pháp luật và có hành vi tương tự để hoạt động. Sở Kế Hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ đã phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, đến nay trên mạng xã hội Facebook vẫn xuất hiện trang "Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy" chuyên quảng cáo các hoạt động thẩm mỹ tại 3 cơ sở ở quận Gò Vấp (TP.HCM), Quy Nhơn (Bình Định) và Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Theo quy định, việc mạo danh thương hiệu của các bệnh viện còn có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, vi phạm các quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Ngoài ra, các cơ sở trên vi phạm quy định theo khoản 3, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; Vi phạm điểm n, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ. Tùy thuộc vào tính chất, hậu quả gây ra, đối tượng xâm phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Trường hợp đối tượng dùng thủ đoạn mạo danh các bệnh viện để thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" từ 6 tháng - 20 năm tù hoặc chung thân theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo