Giải bài toán tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện
Lượng tro, xỉ ngày càng tăng nhanh vì quá trình sản xuất còn nhiều vướng mắc và sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ.
Loay hoay tìm lời giải
Hiện nay, lượng tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) trong cả nước lên tới trên 12 triệu tấn, trong khi chỉ mới xử lý được 4 triệu tấn mỗi năm. Trung bình để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9-1,5 kg tro, xỉ. Như vậy lượng tro, xỉ phát sinh hàng năm từ 23 NMNĐ than đang vận hành trên cả nước hiện nay thải ra khoảng 12,2 triệu tấn.
Đặc biệt, căn cứ vào Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh đến năm 2030, sẽ có 46 NMNĐ than đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 41.500 MW. Do đó trong vài năm tới, nếu không có giải pháp giải quyết đồng bộ, nguy cơ lượng tro, xỉ gia tăng sẽ rất khó khăn về các bãi đổ thải.
Tính riêng tại tỉnh Bình Thuận, hiện có 4 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất gần 4.300MW đang hoạt động. Đến nay, lượng tro, xỉ than phát sinh từ quá trình hoạt động của các nhà máy năng lượng này đã lên đến hàng triệu tấn.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, trong 5 năm qua, 4 nhà máy nhiệt điện đã thải ra khoảng 11 triệu tấn tro, xỉ than, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 1 triệu tấn được xử lý, tiêu thụ, còn 10 triệu tấn đang tồn ứ tại bãi chứa. Lượng tro, xỉ than này được chôn lấp tập trung tại các bãi thải, công tác xử lý, tiêu thụ loại vật chất này đang gặp rất nhiều khó khăn. Bãi thải xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 1 với diện tích gần 60ha, sức chứa theo thiết kế khoảng 7,5 triệu tấn. Nhà máy đã bắt đầu đổ tro, xỉ từ tháng 4-2018, đến nay chỉ sau hơn 2 năm đã lưu chứa khoảng 3 triệu tấn.
Trong khi đó, bãi thải xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng trên tổng diện tích hơn 38ha, chứa khoảng 9,3 triệu tấn. Bãi chứa này hoạt động từ năm 2015, đến nay lượng tro, xỉ đã tiếp nhận khoảng 6,8 triệu tấn. Như vậy, ngoài bãi chứa của NMNĐ Vĩnh Tân 1 vẫn còn khả năng tiếp nhận thì thể tích bãi tiếp nhận tro, xỉ thải của 3 nhà máy còn lại không nhiều.
Được biết, thời gian gần đây trong quá trình vận hành các NMNĐ ở tỉnh Bình Thuận đã có lần gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân là do bụi từ tro, xỉ không được xử lý đúng quy trình và khối lượng chôn lấp quá lớn đã phát tán, ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh. Theo thống kê, các NMNĐ nơi đây mỗi năm thải ra 3 - 4 triệu tấn tro, xỉ. Nếu không có những giải pháp hiệu quả để xử lý thì với tốc độ chôn lấp hiện nay, các bãi chứa thải sẽ nhanh chóng quá tải và hệ lụy môi trường rất lớn.
Cần thay đổi nhận thức
Trên thực tế, các nhà khoa học đã khẳng định, tro xỉ nhiệt điện không phải là chất thải nguy hại. Việc tái sử dụng tro bay từ các nhà máy nhiệt điện than được nhiều nước trên thế giới thực hiện như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… và luôn được khuyến khích sử dụng tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện than trong xây dựng đường sá, làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây dựng. Tro bay nếu đạt tiêu chuẩn dùng làm phụ gia cho sản xuất xi măng sẽ làm giảm chi phí sản xuất xi măng; bê tông dùng tro bay sẽ làm giảm lượng xi măng và làm tăng tính bền chắc của công trình.
Ngoài ra, tro xỉ còn được sử dụng để làm chất liên kết gia cố các công trình giao thông, sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ rất hiệu quả. Việc tái sử dụng tro bay được quản lý tốt sẽ đem tới lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường.
Cần sử dụng tốt tro xỉ từ NMNĐ
Ở nước ta, để khắc phục tình trạng quá tải tại các bãi chứa tro, xỉ thải tại nhà máy nhiệt điện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Hiện nay, một số loại vật liệu xây dựng được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện cũng đang được nhiều đơn vị nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng vào các công nghệ như: Sử dụng tro tuyển làm phụ gia bê tông; tro, xỉ làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; vật liệu san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông chưng áp…
Đáng nói, mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã có chủ trương sử dụng tro, xỉ để sản xuất xi măng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng lượng tro, xỉ ngày càng tăng nhanh vì quá trình sản xuất còn nhiều vướng mắc và sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Nguyên nhân trước hết là đa số người dân và doanh nghiệp xây dựng chưa tin tưởng vào chất lượng gạch không nung từ tro, xỉ. Như vậy, cần phải thay đổi nhận thức của nhân dân và doanh nghiệp về vấn đề tro xỉ.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm