Eximbank vẫn bị kiểm toán 'réo tên' vì khoản nợ xấu hàng trăm tỷ
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trầy trật đòi khoản nợ 746 tỷ đồng của 7 khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank suốt từ năm 2016 đến nay.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 vừa công bố của Eximbank, đến hết tháng 3/2020 tổng tài sản của Eximbank giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn gần 157.171 tỷ đồng. Cho vay khách hàng (giảm 4%) và tiền gửi khách hàng (giảm 7%) đều sụt giảm so với đầu năm, chỉ còn gần 108.870 tỷ đồng và 129.108 tỷ đồng.
Các hoạt động kinh doanh khác của Eximbank trong quý 1/2020 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước như lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 37%, lãi từ hoạt động khác giảm 3%. Chi phí hoạt động giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 629 tỷ đồng.
Nợ xấu của Eximbank tính đến 31/03/2020 tăng 4% so với đầu năm, tương ứng gần 2.018 tỷ đồng, chủ yếu do tăng nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 6%) và nợ nghi ngờ (tăng 25%). Dẫn đến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của ngân hàng tăng lên 1,85% so với 1,71% hồi đầu năm.
Đáng chú ý, căn cứ trên báo cáo tài chính kiểm toán 2019, Công ty Công ty Kiểm toám KPMG dù không có ý kiến ngoại trừ nhưng đã đưa ra lưu ý về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với khoản nợ xấu 746 tỷ đồng của 7 khách hàng với tài sản đảm bảo là gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2019, nợ dưới tiêu chuẩn của Eximbank là 973 tỷ đồng. Trong đó, có 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng, với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank và được ngân hàng trích lập dự phòng 43,2 tỷ đồng.
Hiện tại, Eximbank vẫn được giữ nguyên nhóm nợ nên chưa phải trích lập dự phòng thêm cho khoản nợ này.
Lưu ý, nếu Eximbank thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản nợ theo Thông tư 02 và 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ tăng lên 175 tỷ đồng và khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giảm đi 140 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Eximbank đã khởi kiện toàn bộ 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Tới ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất này, các vụ kiện liên quan đến 5 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc là 500 tỷ đồng đã có bản án với phán quyết phải trả cho ngân hàng tổng số tiền gốc và lãi là 711,7 tỷ đồng. Trong trường hợp các khách hàng này không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ thì Eximbank được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để đảm bảo thu hồi nợ.
Đối với 2 khách hàng còn lại với dư nợ gốc là 246 tỷ đồng, Eximbank đang chờ tòa án hoàn tất các thủ tục tố tụng để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Trong thời gian gần đây, biến động trong bộ máy lãnh đạo của Eximbank đã trở thành một chủ đề nóng. Theo đó, ngày 22/3/2019, Hội đồng quản trị HĐQT ngân hàng đã bất ngờ bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú lên thay thế.
Sau đó, ngày 22/5/2019, HĐQT Eximbank lại ban hành nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên HĐQT, giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020).
Mới đây, Eximbank vừa có thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2019 vào chiều ngày 30/6. Trong khi đó, ĐHĐCĐ thường niên 2020 được diễn ra vào sáng cùng ngày. Phiên họp bất thường được triệu tập theo yêu cầu của cổ đông nước ngoài SMBC (Sumitomo Mitsui Banking Corporation) nắm 15% vốn tại Eximbank có liên quan tới nhân sự cấp cao tại nhà băng này.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo