Dùng Deepfake giả giọng Jay Z, nhiều video bị Youtube gỡ bỏ
Vocal Synt về hành vi sử dụng trí tuệ nhân tạo bất hợp pháp để giả mạo giọng nói của mình. Nhiều video liên quan tới vụ việc hiện đã bị youtube gỡ bỏ do vi phạm chính sách người dùng.
Trong những năm gần đây, Deepfake đã trở thành một trào lưu nở rộ trên Internet. Thuật ngữ “Deepfake” là sự kết hợp giữa "deep learning" và "fake". Công nghệ này được xây dựng trên nền tảng machine learning mã nguồn mở của Google.
Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Hơn nữa, Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngac.
Những người nổi tiếng như ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg, CEO Tesla - Elon Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump hay cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng là nhân vật nguồn cho các video chế bằng Deepfake. Và mới đây, nam rapper Jay Z là người nổi tiếng tiếp theo trở thành nạn nhân của công nghệ này.
Một tài khoản YouTube với khoảng 40.000 lượt theo dõi, Vocal Synt, đã đăng tải một loạt các video Deepfake với hình ảnh rapper Jay Z rap bài hát “We didn’t start the fire” của Billy Joel khiến cho nhiều fan hâm mộ nam rapper vô cùng tức giận và phẫn nộ.
Công ty đại diện cho rapper Jay Z, Roc Nation, đã đệ đơn kiện về hành vi vi phạm của kênh Youtube Vocal Synt với các video kể trên. Trong đơn kiện ghi rõ: “Những video này đã sử dụng trí tuệ nhân tạo AI một cách bất hợp pháp nhằm giả mạo giọng nói của thân chủ chúng tôi”.
Roc Nation cũng cho biết 2 video Deepfake của kênh Vocal Synt đã bôi nhọ hình tượng và làm tổn hại danh dự của nam rapper Jay Z. Công ty yêu cầu chủ tài khoản Youtube này ngay lập tức gỡ bỏ các video Deepfake về Jay Z và chịu các trách nhiệm trước pháp luật về hành vi nói trên.
Trước hành động cứng rắn của Jay Z và công ty, Youtube đã xóa 2 video này. Tuy nhiên vẫn còn một vài video khác chưa được Youtube gỡ xuống, trong đó có video Deepfake Jay Z rap nội dung sách “Sáng Thế” của Kinh Thánh.
Bất chấp hành vi vi phạm pháp luật của mình, kênh Youtube Vocal Synt vẫn lên tiếng bảo vệ cho những video Deepfake có liên quan tới vụ việc. Chủ tài khoản Vocal Synt cho biết các video này được tạo ra với mục đích giải trí, không gây hại và họ cảm thấy rất thất vọng trước hành vi 'bắt nạt' của Jay-Z và Roc Nation trong sự việc này.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo