Dự kiến sẽ gia hạn thêm 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế
Bộ Y tế cho biết, dự kiến đến 15/7, khoảng 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế... có giấy đăng ký lưu hành hết hạn cuối năm nay sẽ được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký.
Cụ thể, theo Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, trong số 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế được gia hạn số đăng ký tới đây có nhiều thuốc điều trị các chuyên khoa khác nhau như thuốc điều trị bệnh đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau... Đây sẽ là đợt công bố thứ 2 về gia hạn hiệu lực số đăng ký lưu hành thuốc tại nước ta trong năm nay.
Trước đó, đầu tháng 6/2022, Cục Quản lý Dược thông báo 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế gồm 4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vaccine, sinh phẩm y tế hết hạn trước 30-6-2022 được gia hạn hiệu lực số đăng ký.
Như vậy, cùng với đợt gia hạn đầu tiên vào đầu tháng 6 thì đến ngày 15-7, sẽ có khoảng gần 10.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế, vaccine được Cục Quản lý Dược gia hạn hiệu lực số đăng ký. Cùng đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc.
Tại cuộc họp về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế vừa diển ra ngày 29/6, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết thống kê đối với 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Lý giải nguyên nhân thiếu thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói một phần do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, một số nước thay đổi chính sách... Ngoài ra, một số cán bộ địa phương sợ trách nhiệm, không dám làm; phối hợp giữa các bên chưa chặt chẽ.
Tuy nhiên, bà Hương cũng thẳng thắn nhìn nhận lý do chính là chậm đấu thầu tập trung; chưa đàm phán giá thuốc sát với thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc, chưa tích cực thúc đẩy mua thuốc, thiết bị, vật tư.
Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.
Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.
Bảo Linh (t/h)