Doanh số bán xe ô tô ở Việt Nam giảm gần 40% do COVID-19
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA là 64.100 xe các loại, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chiều 12/5 công bố doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 4/2020 đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng trước.
Trong tổng doanh số bán hàng trên có 7.796 xe du lịch, giảm 40%; 3.652 xe thương mại, giảm 36% và 313 xe chuyên dụng, giảm 16% so với tháng trước.
Xét về xuất xứ xe, trong khi xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có doanh số bán 7.400 xe, giảm 38% thì doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.361 xe, giảm 40% so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA là 64.100 xe các loại, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 46.089 xe ô tô du lịch, giảm 37%; 16.769 xe thương mại, giảm 30% và 1.242 xe chuyên dụng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019.
Loạt xe mới của Audi trưng bày giới thiệu tại Triển lãm Ô tô 2019.
Hầu hết các hãng xe, thương hiệu xe bán ra trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm đều giảm mạnh, cụ thể như Toyota có doanh số bán ra trong tháng 4 giảm 2.300 chiếc so với tháng 3; Kia chỉ bán được hơn 1.300 chiếc, giảm 500 chiếc, Mazda bán được 1.300 chiếc, duy trì doanh số bán ra so với tháng trước; Honda bán hơn 840 chiếc, giảm 1.000 chiếc, Thành Công giảm 2.800 chiếc...
Tháng 4, một số dòng xe tiêu biểu trên thị trường cũng có suy giảm như Toyota Vios chỉ bán được hơn 1.000 chiếc, giảm 50%; mẫu Honda CRV bán được 410 chiếc, giảm hơn 150 chiếc; Honda City bán ra hơn 161 chiếc, giảm 300 chiếc; mẫu Hyundai i10 bán ra hơn 450 chiếc, giảm gần 600 chiếc; mẫu Hyundai Accent bán được 610 chiếc, giảm trên 70%... so với cùng kỳ năm trước.
Cũng xét theo xuất xứ xe, trong 4 tháng đầu năm 2020, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước giảm 33% và xe nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân doanh số bán hàng trong tháng 4 vừa qua và trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh là do tháng đầu năm trùng với tháng Tết Nguyên đán nên có rất ít giao dịch mua bán xe trong khoảng thời gian này.
Hơn nữa, trong tháng 4, Việt Nam đã cách ly xã hội trên phạm vi cả nước hơn 14 ngày và giãn cách xã hội sau đó gần 10 ngày ở các thành phố lớn. Chính vì vậy, hầu hết hoạt động mua xe hơi đều tạm ngừng, các đại lý xe hơi đều phải đóng cửa, không duy trì giao dịch đúng với tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, để có doanh số bán hàng như trên, nhiều hãng xe cùng các đại lý đã thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá bán xe hay tặng quà giá trị cho khách hàng để kích cầu doanh số.
Thị trường ô tô Việt Nam có thể “ấm” trở lại từ tháng 5 này nếu không có những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 diễn ra trong nước.
Mới đây, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp ô tô suy giảm do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cơ quan này đề xuất Quốc hội có ý kiến để xóa bất lợi thuế phí hiện nay đối với doanh nghiệp xe hơi nhằm giảm tác động bất lợi đối với xe trong nước.
Hiện tại, vì dịch bệnh nên doanh nghiệp khó khăn, tiền trong dân suy giảm; bên cạnh đó, xu hướng khó khăn do nhập khẩu linh phụ kiện, tổng nguồn cầu mua xe giảm đã khiến nhiều doanh nghiệp, đại lý xe hơi mất doanh số, buộc phải tung ra các gói kích cầu mua sắm lớn.
Các đại lý xe hơi bên cạnh bán xe qua hình thức Livestream, quảng cáo facebook hay rao vặt vào các group facebook... đều kích cầu mua sắm bằng cách tăng chiết khấu người bán hàng cho khách hàng, tặng phí bảo hiểm hoặc gia tăng thời hạn bảo dưỡng, bảo hành xe... Đây có thể là biện pháp kích thích hữu hiệu, giúp người mua an tâm xuống tiền trong thời gian tới.
Giới chuyên môn cũng nhìn nhận, thị trường ô tô Việt Nam có thể “ấm” trở lại từ tháng 5 này nếu không có những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 diễn ra trong nước, nhưng doanh số tăng trưởng cũng rất “khiêm tốn”.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm