Doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề với chính quyền TP.HCM
Các vấn đề cấp giấy phép lao đông, vướng mắc thủ tục đất đai được doanh nghiệp trong và ngoài nước kiến nghị tới chính quyền TP.HCM và mong muốn có giải pháp xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ khó khăn
Ngày 24/6, trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng buổi đối thoại là nơi cả hai bên lắng nghe đề xuất đến từ quá trình hoạt động thực tiễn nhằm giải quyết khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như nắm bắt các xu thế và nhu cầu hiện nay của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) Shon Young Il khẳng định các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện hữu sẽ là những kênh quảng bá tốt nhất cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Vì thế, ông Shon kêu gọi phía chính quyền TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc giải quyết các vướng mắc trong những vấn đề về việc cấp giấy phép lao động cho người lao động Hàn Quốc, bảo hiểm xã hội, dự thảo tăng mức đóng bảo hiểm y tế tại Việt Nam và thu phí sử dụng cảng biển.
Khẳng định tôn trọng các quyết định của Việt Nam cũng như TP.HCM để đáp ứng nhu cầu của xã hội, song chủ tịch KOCHAM cho rằng doanh nghiệp đang gặp nhiều áp lực lớn từ việc hồi phục sau đại dịch, xung đột Nga - Ukraine và tình hình lạm phát. Vì vậy, ông hy vọng chính quyền TP.HCM có thể giúp doanh nghiệp Hàn Quốc giảm bớt gánh nặng chi phí trong giai đoạn đặc biệt này.
Tại buổi đối thoại, đại diện một số doanh nghiệp Hàn Quốc như Tập đoàn CJ, Tập đoàn phát triển bất động sản GS E&C, Công ty hậu cần KTCT Logistics đã chia sẻ những khó khăn cụ thể phải đối mặt khi hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt những vấn đề liên quan đến pháp lý.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.HCM đã giải đáp vướng mắc doanh nghiệp Hàn Quốc đưa ra, đồng thời tiếp thu ý kiến từ phía doanh nghiệp nhằm tìm ra phương án thích hợp.
Than thủ tục còn nhiều phức tạp
Cũng trong ngày 24/6, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về lĩnh vực xây dựng trên địa bàn.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Công ty Thép Khương Mai, kể câu chuyện hơn 30 năm sau khi mua đất ở quận 7 trong khu dân cư hiện hữu, đến giờ ông vẫn phải bỏ hoang vì gặp khó trong việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Nhiều công ty dịch vụ không dám nhận hỗ trợ vì nói rằng thủ tục phức tạp. Đến năm 2006, ông mới chuyển mục đích sử dụng đất xong.
"Sau đó, tôi mua thêm miếng đất ngay phía sau, định gộp chung để xây dựng văn phòng hoặc kho bãi nhưng sau 5 lần nộp hồ sơ vẫn chưa chuyển được mục đích sử dụng đất, dù không vướng mắc gì" - ông Khương ngán ngẩm.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Lành, lo ngại nếu việc chậm cấp phép kéo dài, không sớm tháo gỡ sẽ có tình trạng DN đi tỉnh triển khai dự án và TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Thời gian qua, không ít đại gia bất động sản lớn đã triển khai dự án ở địa phương khác, thay vì TP.HCM do gặp khó khăn về thủ tục đầu tư.
Đại diện một hiệp hội doanh nghiệp ở TP.HCM băn khoăn: DN phải đi 3 cửa từ Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đến Sở Kế hoạch và Đầu tư rồi mới được cấp phép, là quá khó khăn.
Nêu ý kiến tại buổi đối thoại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đánh giá cao thời gian qua, Sở Xây dựng đã đồng hành với doanh nghiệp, cùng hiệp hội phản biện về mặt thể chế pháp luật, Trung ương đã lắng nghe các kiến nghị của Hiệp hội, từng bước cập nhật, tháo gỡ những vướng mắc trong xây dựng.
Ông Lê Hoàng Châu mong Sở Xây dựng tiếp tục phân tích, đề xuất tháo gỡ vướng mắc của 113 dự án mà Hiệp hội đã gửi báo cáo lên Sở và Thành phố. Sắp tới, Hiệp hội tiếp tục gửi báo cáo mà DN mới đề xuất.
Trước những vướng mắc, kiến nghị doanh nghiệp nêu ra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết chia sẻ và khẳng định đây là trách nhiệm của Sở trong giải quyết các vấn đề, thực thi trách nhiệm đối với quản lý Nhà nước.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho hay, từ năm 2019 đến nay, hàng loạt các nghị định, luật thay đổi toàn bộ các quy định trong đầu tư dự án, đặc biệt là dự án nhà ở. Theo quy định pháp luật hiện nay, 1 dự án nhà ở kể từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc thì không có dự án nào ngắn hơn thời gian từ 1,5 đến 2 năm. Tuy nhiên, thực tế có những dự án kéo dài trên 2 năm đến 5 năm.
Trước thực trạng này, lãnh đạo TP.HCM có đề xuất rất nhiều trong việc rút ngắn quy trình thủ tục theo đúng quy định pháp luật. Sở Xây dựng cũng đang xây dựng lại các quy trình liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và xây dựng để tương thích với các luật, nghị định, thông tư; đồng thời, rút ngắn quy trình và cố gắng cải tạo được môi trường đầu tư trên cơ sở minh bạch, rõ ràng, công khai về thủ tục.
Mỹ Hưng (t/h)