Doanh nghiệp bao bì thủy tinh lớn nhất Thái Lan đầu tư vào điện mặt trời Việt Nam
Doanh nghiệp Thái Lan dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận trong quý 4/2020 đối với ít nhất hai trang trại điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất 50-100MW.
Thông tin trên được công bố trên tờ Bangkok Post, Công ty sản xuất bao bì thủy tinh lớn nhất Thái Lan BG Container Glass (BGC) đang đàm phán với các nhà đầu tư ở Việt Nam để mua các trang trại điện mặt trời có giá trị hơn 1 tỷ baht (khoảng 32 triệu USD). Được biết hiện BGC đang tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
BGC dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận trong quý 4/2020 đối với ít nhất hai trang trại điện mặt trời với tổng công suất 50-100MW. BGC đã dành một ngân sách khoảng 1-2 tỷ baht cho việc mua bán này.
Điện mặt trời thu hút đầu tư nước ngoài
Tờ Bangkok Post dẫn lời Giám đốc điều hành BGC Silparat Watthanakasetr cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu đa dạng hóa kinh doanh và mong muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn năng lượng mặt trời, gió và nước.
Theo Giám đốc điều hành BGC Silparat Watthanakasetr, BGC muốn tập trung vào kinh doanh năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) vì những nước và vùng lãnh thổ đó có tiềm năng cao về phát triển năng lượng tái tạo và tăng trưởng trong nhu cầu về điện.
BGC có kế hoạch tăng công suất phát điện lên 300-400MW vào năm 2022. Công ty này đã mua một trang trại điện Mặt Trời có công suất 67MW ở Việt Nam. Trong năm nay, BGC phân bổ 3-4 tỷ baht cho các lĩnh vực kinh doanh năng lượng tái tạo và bao bì.
Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo: "Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông... do Sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án".
Bộ cũng cho rằng các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp phát triển dự án để tránh và giảm các rủi ro cũng như thời gian và chi phí khi giải phóng mặt bằng hay xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương. Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước hiểu hơn về luật pháp, chính sách trong nước, nên sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi chuẩn bị đầu tư.
Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy... Do đó, sự kết hợp giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm