Dịch COVID-19 kéo dài đến hết quý II, 74% doanh nghiệp ngành dệt may sẽ “biến mất”
Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% số doanh nghiệp được khảo sát có thể sẽ phá sản, gần 30% số doanh nghiệp mất 20 - 50% doanh thu,
74% doanh nghiệp ngành dệt may sẽ “biến mất” nếu dịch Covid - 19 kéo dài đến tháng 6.
Đến nay sức ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam là vô cùng lớn. Khó khăn này “bao phủ” toàn bộ nền kinh tế của cả nước. Theo dự báo, con số thiệt hại sẽ khoảng 1.000 tỷ USD trong năm 2020. Thậm chí, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) còn dự đoán sự sụp đổ kinh tế tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái.
Đại dịch COVID-19 được ví như một "bóng ma vô hình" bao trùm lên kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Mặc dù, GDP Quý I chỉ đạt 3,8% - mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua.
Đối với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm nay - giai đoạn 1 của dịch bệnh - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là những doanh nghiệp vừa và nhỏ - chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng.
Đến tháng 3, khi các nhà sản xuất Trung Quốc gượng dậy và khôi phục khoảng 80% hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu thì tiếp đến giai đoạn 2 dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và châu Âu – 2 thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may điêu đứng do không thể xuất khẩu được.
Hiệp hội cũng đưa ra dự báo, nếu dịch bệnh kết thúc vào tháng 6 tới thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng, đồng thời sức cầu giảm có thể kéo theo giá giảm tới trên 20%.
Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% số doanh nghiệp được khảo sát có thể sẽ phá sản, gần 30% số doanh nghiệp mất 20 - 50% doanh thu, 60% số doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu.
Với lĩnh vực xuất khẩu, theo Bộ Công thương, nếu dịch bệnh tiếp diễn, triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU được dự báo sẽ tương đối thấp. Theo đó, nếu dịch kéo dài đến giữa năm, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể giảm 6 - 8% trong quý I và quý II. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm.
Theo 3 kịch bản dịch bệnh xấu nhất được đặt ra, trường hợp xấu nhất nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết năm, sẽ có khoảng gần 40% doanh nghiệp sẽ phá sản. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Không chỉ đối mặt với những khó khăn hiện hữu trước mắt, nhiều chuyên gia kinh tế, xã hội học còn cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam sẽ còn đối mặt với “làn sóng” mất việc làm lần thứ 2 sau khi dịch đi qua. Đó là khi nền kinh tế rơi vào kiệt quệ, suy yếu vì các giải pháp quyết liệt trong chống dịch Covid-19. Các gia đình sẽ đối mặt với thiếu thốn vì kinh tế suy kiệt, doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt giảm chi tiêu.
Để chung vai với người dân và doanh nghiệp trong cuộc chiến với dịch Covid-19, Chính phủ đã tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng và hàng loạt biện pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những giải pháp đang được Chính phủ áp dụng sẽ chỉ giảm áp lực tài chính, dòng tiền cho chủ doanh nghiệp. Còn với người dân, cụ thể là người lao động, đặc biệt là với lao động mất việc áp lực và gánh nặng chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của gia đình vẫn còn rất nặng nề.
Dự kiến, Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước sẽ diễn ra vào cuối tháng 4/2020 liên quan đến việc tái khởi động nền kinh tế để vượt qua dịch bệnh.
Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về Chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu này.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm