Di sản thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu
Không chỉ thời gian, mà biến đổi khí hậu giống như những "cơn bệnh", đang khiến hàng loạt di sản thế giới đứng trước nguy cơ biến mất.
Biến đổi khí hậu đang làm hư hại những khu vực di sản nổi tiếng nhất của thế giới, trong đó có Rạn san hô Great Barrier của Australia và hàng chục di sản thiên nhiên khác đang đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng. Đây là cảnh báo được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) thuộc Liên hợp quốc đưa ra trong tuần này.
Đến nay, đã có hơn một nghìn điểm di sản được UNESCO công nhận bởi những di sản văn hóa, di tích lịch sử, vườn quốc gia hay công trình kiến trúc… nổi bật ở từng quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp trong việc giảm phát thải khí nhà kính thì một phần di sản thế giới sẽ biến mất và các thế hệ tương lai sẽ không còn được chiêm ngưỡng chúng.
Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện diện ở khắp mọi nơi, từ vịnh băng IIulissat Icefjord ở Greenland, một di sản thế giới tại sông băng Sermeq Kujalleq đang tan chảy trước mắt chúng ta. Hay ngay cả vùng biển Wadden của Đức cũng không ngoại lệ. Bão tố và nước biển dâng cao là những vấn đề chính ở nơi này, khiến một số loài chim khó có thể tìm được nơi cư trú làm tổ.
Ở một số địa điểm khác, mối đe dọa cũng thể hiện khá rõ hoặc có dấu hiệu sắp xảy ra. Theo báo cáo chung của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, UNESCO và Liên minh các nhà khoa học quan tâm, Vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ) là một thí dụ điển hình. Nơi đây đang trải qua mùa dông ngắn hơn với lượng tuyết rơi ít hơn. Không chỉ thế, nhiệt độ nước trong sông, hồ nước, đầm lầy đang dần ấm hơn và hiện tượng cháy rừng cũng kéo dài hơn.
Các nhà khoa học ước tính, gần một nửa trong số các vùng đất ngập nước thuộc hệ sinh thái tại Yellowstone có thể biến mất, các đám cháy sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Ngoài ra, hiện tượng El Nino cũng đang làm ấm vùng nước quanh quần đảo Galápagos, ngoài khơi bờ biển Ecuador, góp phần làm ảnh hưởng tới nguồn cung cấp thực phẩm cho nhiều loài vật sinh sống tại đây.
Không chỉ thế, mực nước biển dâng và sóng cao hơn trong các cơn bão cũng đe dọa lật đổ những bức tượng thần bằng đá bí ẩn trên Rapa Nui (hay còn gọi là đảo Phục Sinh) ở phía Đông Nam Thái Bình Dương.
Báo cáo của IUCN cho biết, biến đổi khí hậu dẫn tới thu hẹp các sông băng, gia tăng cháy rừng, lụt lội và hạn hán, tẩy trắng các rạn san hô. Hiện có 83 trong tổng số 252 Di sản thế giới của UNESCO đang đối mặt với các vấn đề trên.
Theo IUCN, kể từ Báo cáo Triển vọng Di sản Thế giới được công bố cách đây ba năm, có tới 16 di sản thế giới đã xuống cấp, trong khi chỉ có tám di sản được cải thiện tình trạng xuống cấp.
“Các di sản thế giới tự nhiên là những nơi quý giá nhất của thế giới và chúng ta đa đang nợ các thế hệ tương lai để bảo vệ chúng”, Tổng giám đốc IUCN Bruno Oberle nói.
Rạn san hô Great Barrier (Australia) ở khu vực đại dương đang ấm lên, tình trạng axit hóa và thời tiết cực đoan góp phần làm suy giảm số lượng san hô và thu hẹp quần thể sinh vật biển. Rạn san hô Great Barrier là một trong bốn khu vực tại Australia đang bị đe dọa “rất nghiêm trọng”.
Báo cáo cho hay, trong khi 63% các khu di sản được phân loại là “tốt” hoặc “tốt với một số vấn đề cần quan tâm”, thì 30% ở mức “cần quan tâm đáng kể” và 7% ở mức “nghiêm trọng”.
CNN từng đưa ra danh sách nhóm di sản thế giới đang gặp nguy hiểm do biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có cả Hội An của Việt Nam.
Là khu phố cổ nổi tiếng của Việt Nam, nằm bên con sông Thu Bồn hiền hòa tại tỉnh Quảng Nam chứa tới hơn 800 ngôi nhà gỗ lớn nhỏ được xây dựng từ thế kỷ 16, 17. Tuy nhiên, khu phố cổ hiện đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do ngập lụt và nước biển dâng cao do thành phố cao trên mực nước biển chưa đầy 2 mét.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, biến đổi khí hậu đang tác động hằng ngày lên đời sống của người dân Hội An, vì vậy địa phương huy động mọi nguồn lực để ứng phó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại…
Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức về hiểm họa của biến đổi khí hậu đến những người ở vùng có di sản văn hóa, giúp họ phát huy tri thức bản địa để tìm ra phương thức ứng phó hiệu quả.
Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu – nguyên Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, việc hạn chế tác hại của thiên nhiên, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu là một thách thức lớn đối với Việt Nam. “Bên cạnh việc áp dụng những kinh nghiệm, phương pháp bảo tồn truyền thống và hiện đại như chống mối mọt, tu bổ các bộ phận bị hư hỏng, gia cường, gia cố, diệt trừ cây leo gây hại, bảo quản định kỳ, cần nghiên cứu triển khai số hóa dữ liệu về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin. Ngoài ra, cần ứng dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị khoa học, công nghệ hiện đại trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên” – GS.TS Lưu Trần Tiêu chia sẻ.
UNESCO khuyến cáo các địa phương cần xác định trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa cần được hiểu như một chiến lược dài hạn và các hoạt động ứng phó cần phải rất cụ thể.
Bên cạnh đó, cần tìm ra những kinh nghiệm tốt trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, bao gồm cả những kinh nghiệm dân gian truyền thống và kỹ thuật tiên tiến. Chủ động tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm đó trong mạng lưới các di sản và trong cộng đồng. Kết nối hoạt động của các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương nhằm bảo tồn sự toàn vẹn và tính nguyên gốc của giá trị di sản.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường