Đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt đối với người về từ địa bàn cấp độ dịch 3, 4
Bộ Y tế vừa có công điện số 1700/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và bước đầu hạn chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh, số ca mắc và tử vong đã giảm rõ rệt.
Các địa phương đã từng bước tháo bỏ giãn cách xã hội chuyển sang thực hiện nghị quyết số 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Tuy nhiên, trong thời gian này, một số lượng lớn người dân đã di chuyển từ các địa phương có số mắc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh; một số địa phương nơi người dân trở về đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng với những chùm nhiều ca mắc trong ngày.
Để có số liệu giúp theo dõi, quản lý kịp thời, không để dịch Covid-19 lây lan giữa các tỉnh, thành phố và báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1314/CĐ-TTg ngày 07/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo.
Chủ động theo dõi chặt chẽ người về từ các địa phương, khu vực có dịch Covid-19 vừa hết giãn cách, nhất là từ các địa phương có số mắc Covid-19 cao (như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...).
Đồng thời chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19, phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế.
Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn, không để bị động; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương cũng cần tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Đồng thời tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân về từ khu vực có dịch chủ động khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương, để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.