ĐBQH đề xuất đẩy mạnh liên kết, phát triển kinh tế vùng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày thứ ba thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội đưa ra các nhận định, giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Việt Nam có quyền ước mơ khát vọng phồn vinh, trở thành nước công nghiệp hiện đại, nước phát triển
Để có cách đánh giá chính xác, khách quan những kết quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong 5 năm 2016-2020, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng cần chia thành 2 thời điểm. Đó là thời điểm trước khi có dịch bệnh Covid-19 và đánh giá riêng của năm xảy ra dịch bệnh. Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 2016-2019 đạt 6,8% (tức là đạt được ở mức cao của mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm), trong khi chỉ số CPI đã giảm từ 18,6% vào đầu năm 2011 xuống còn 4%. Cán cân thương mại trong nhiều năm liên tục là thặng dư dương; bội chi ngân sạch giảm từ 5,4% xuống còn 3,5%; nợ công cũng giảm xuống còn 55% vào năm 2019.
Riêng năm 2020 là năm diễn ra đại dịch Covid-19, với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng, an toàn cho người dân. Kết quả đạt được là chúng ta đã làm cho thế giới phải ngưỡng mộ về thành công trong phòng, chống dịch, đồng thời cũng là nước dẫn đầu trong khu vực về tăng trưởng kinh tế và là một "ngôi sao sáng" của thế giới về mức tăng trưởng kinh tế dương.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ “Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được thành tựu nêu trên, điều đó cho phép chúng ta có quyền ước mơ khát vọng phồn vinh đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.”
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nêu quan điểm. Ảnh Cổng TTĐT Quốc hội |
Để khát vọng trên trở thành hiện thực, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, có nhiều tiêu chí để xếp các nước vào nhóm các nước phát triển, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản: Đó là chỉ số HDI (Chỉ số phát triển con người) phải đạt 0,8% và mức thu nhập GDP bình quân đầu người phải đạt trên 40.000 USD. HDI là chỉ tiêu tổng hợp của ba chỉ số về giáo dục, tổ chức và thu nhập.
Hiện nay, chỉ số HDI của Việt Nam đạt được là 0,693%, được xếp vào nhóm các nước phát triển khá, có nghĩa là chúng ta chỉ thiếu 0,07% thì chúng ta đạt được tiêu chuẩn của nhóm có HDI cao. Qua đây, chúng ta cũng thấy rằng, mặc dù chưa bằng lòng với giáo dục, khi cả hội trường nóng lên về việc một số sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 sai một số ngôn từ, ngữ điệu… nhưng thế giới thì đang xếp giáo dục của chúng ta vào hàng khá cao. Chính vì vậy, chỉ số HDI của Việt Nam được đánh giá cao, trong khi thu nhập quốc dân của chúng ta vẫn thấp. Như vậy, mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển cao chủ yếu là làm thế nào để tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu thu nhập GDP bình quân đầu người là 40.000 USD vào năm 2045.
Về lý thuyết, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7%/năm thì cứ sau 10 năm, chúng ta có mức tăng gấp đôi. Như vậy, đến năm 2030, tính theo GDP đã được tính lại thì GDP bình quân đầu người có thể đạt được 7.000 - 8.000 USD. Đến năm 2045, chúng ta có thể được từ 20.000 - 25.000 USD. Như vậy, khoảng cách của nước ta với các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… sẽ giãn cách.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, theo kinh nghiệm của các nước “cất cánh trở thành con rồng châu Á” phải có giai đoạn tăng trưởng rất cao, khoảng 10%/năm, dựa vào đầu tư, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, trong đó chú trọng phát triển các tập đoàn lớn trong nước trở thành trụ cột trong chuỗi giá trị và cung ứng.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 cần tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ tập đoàn kinh tế mạnh, trở thành trụ cột cho nền kinh tế.
Đại biểu khẳng định: "Tôi rất đồng tình với ý tưởng của Hà Nội trong việc xây dựng Dự án tuyến metro số 5 tuyến Văn Cao-Hòa Lạc với mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc; đồng thời trở thành cơ sở thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt.
Chúng ta có thể kêu gọi các tập đoàn nước ngoài, thậm chí mua lại dây chuyền công nghệ của nước ngoài để phát triển trở thành người chủ trong chuỗi giá trị phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Cũng cần lưu ý rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân nếu được hỗ trợ của Chính phủ có thể thực hiện được những mục tiêu này nhanh, hiệu quả hơn nhiều so với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước."
Bên cạnh ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất huy động các nguồn lực vốn lớn cho đầu tư phát triển bởi vấn đề không phải là Chính phủ tìm cách hạ thấp tỷ lệ nợ công mà vấn đề cốt yếu phải quản lý nợ công hiệu quả.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nói: “Chúng ta đang chuyển sang giai đoạn thu hút FDI có chọn lọc và tỷ lệ nợ công đang giảm xuống mức khá thấp, do vậy cần phải nghĩ đến chiến lược huy động nguồn tiền bên ngoài vào để doanh nghiệp, tập đoàn trong nước vay, đầu tư kinh doanh. Việc này có hiệu quả hơn nhiều lần so với dựa vào các nguồn vốn đầu tư FDI - lại tự tạo ra cạnh tranh với chính sự phát triển của các doanh nghiệp và tập đoàn trong nước."
Đại biểu Hoàng Văn Cường mong muốn, tất cả những quan điểm trên không chỉ nằm trong kế hoạch 2021-2025 mà phải trở thành đường lối hành động chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết của Đảng cũng như chiến lược của Chính phủ hành động trong thời gian tới.
Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình cơ cấu lại ngành ở các địa phương
Nêu quan điểm về hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng: Giai đoạn 2016 – 2021, các ngành Công ngiệp, Nông nghiệp, Dịch vụ đã dịch chuyển theo hướng tích cực; khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, tăng năng suất. Tuy nhiên, cơ cấu lại nền kinh tế chưa được đánh giá rõ. Công tác cơ cấu vùng kinh tế chưa được triển khai một cách rõ ràng hay xác định rõ bước đi, trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với trình độ phát triển của địa phương, của từng tỉnh; chưa tạo được sự đột phá, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo; chưa có sự liên kết hiệu quả; tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn. Báo cáo quyết toán thu chi năm 2018 của Chính phủ đã nói lên điều đó.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đóng góp ý kiến. Ảnh Cổng TTĐT Quốc hội |
Nghiên cứu ở nhiều địa phương, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhận xét, công tác quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực vẫn chưa gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chủ yếu các nhiệm vụ được thực hiện lồng ghép trong các báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm, hoặc kế hoạch giai đoạn 5 năm mà chưa có kế hoạch, lộ trình thực hiện các lĩnh vực hoặc các ngành ưu tiên phát triển… Do đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, giai đoạn 2021 – 2026, Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình cơ cấu lại ngành ở các địa phương. Các địa phương cần có kế hoạch, quy hoạch cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế một cách có hệ thống theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Đẩy mạnh liên kết, phát triển kinh tế vùng
Đóng góp vào việc cơ cấu lại để phát triển nền kinh tế ở khu vực miền núi, đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, khẳng định: Đây là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước, quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, nhiều tiềm năng và lợi thế chưa được khai tác. Những bất cập này cũng là nguyên nhân dẫn đến còn có sự chênh lệch trong sự phát triển kinh tế giữa vùng núi và miền xuôi và đô thị.
Khu vực miền núi là phên dậu của Tổ quốc, có vai trò quan trọng trong việc giữ dân, giữ đất, giữ nguồn nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng là hướng đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Theo đó, cần sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch các tỉnh. Xác định những lợi thế và khó khăn của vùng để quy hoạch hợp lý các ngành kinh tế và các lĩnh vực địa bàn trọng điểm nhưng quan trọng nhất là xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để định hướng thống nhất trong phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng, làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách đầu tư trọng tâm trọng điểm.
Đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ảnh Cổng TTĐT Quốc hội |
Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng yêu cầu Chính phủ, Quốc hội ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở giao thông kết nối liên vùng. Để kết nối các tỉnh biên giới với thị trường lớn, tiềm năng là Trung Quốc cần triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc như Hà Nội-Cao Bằng-Lạng Sơn-Tuyên Quang. Đặc biệt là đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai đến cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang). Hiện nay, phía tỉnh Vân Nam đã cho xây dựng hệ thống đường cao tốc đến cửa khẩu Thiên Bảo để từ đó cả vùng sẽ phát triển dịch vụ logistic, đầu tư các khu vực cửa khẩu để phát triển kinh tế biên mậu. Do vậy, đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị xây dựng các tuyến đường quốc lộ 4, 4C, 2C, 279, 34, 280 để kết nối các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn vì đây chính là đầu tư thông tuyến huyết mạch để cả vùng phát huy lợi thế phát triển du lịch, văn hóa và góp phần thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông sản, hàng hóa đặc trưng của cả vùng.
Với địa thế, tiềm năng cần được đánh thức ở các tỉnh biên giới như trên, đại biểu Vương Ngọc Hà cũng đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu, quy hoạch đầu tư xây dựng sân bay để kết nối thị trường nội địa với quốc tế nhanh hơn. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như: lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung khu vực sản xuất giống, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến. Đặc biệt là liên kết trong sản xuất, thu mua và thiêu thụ sản phẩm, đảm bảo không bị giới hạn bởi địa giới hành chính ở từng tỉnh.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm