Cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho học sinh: Hãy trả lại sân chơi cho các em
Những tranh cãi xoay quanh việc bỏ hay không bỏ cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho học sinh, sinh viên vẫn đang khá nóng. Chất lượng thực của các cuộc thi này vẫn đang là điều khiến dư luận quan tâm.
Thời gian qua, dư luận xôn xao trước hiện tượng học sinh phổ thông “trình làng” các đề tài, dự án “khủng” tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học kĩ thuật đạt giải quốc gia, quốc tế.
Đó là những đề tài/dự án mà ngay cả các chuyên gia, nhà khoa học cũng cảm thấy vô cùng khó, hóc búa như phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư, vật liệu nano, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, các sáng chế, giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ mới...
Về vấn đề này, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, người đã trực tiếp hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế nêu ra nhiều dẫn chứng cho thấy sự thiếu trung thực trong nhiều dự án/sản phẩm dự thi. Theo TS Nguyễn Văn Khải, nghiên cứu khoa học và sáng tạo khoa học kỹ thuật là những yêu cầu quá tầm đối với giáo viên phổ thông, cho nên tổ chức cho học sinh thi nghiên cứu khoa học và sáng tạo kĩ thuật là không phù hợp với thực tế.
Vũ Hoàng Long tự hào khoác trên vai lá cờ Tổ quốc, chạy lên sân khấu khi được xướng tên trong Lễ nhận giải tại Mỹ. |
“Rất nhiều em học sinh giỏi, đạt giải cao môn Vật lý nhưng tôi kiểm tra thì không thể tiến hành được các thí nghiệm trong sách giáo khoa. Theo tôi, đối với học sinh phổ thông, nên tổ chức cho các em thi làm đồ dùng dạy học, và làm các thí nghiệm trong sách giáo khoa là phù hợp”, TS Khải đề xuất.
Trong khi đó chia sẻ với báo chí, Vũ Hoàng Long - tác giả Dự án “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” giành giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Bắc; giải Ba tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2019 – cho biết, bước ra sau các cuộc thi, dự án của Long đang được trưng bày tại Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai, chưa ứng dụng được vào thực tiễn.
Lý do, theo Long, để làm được điều này, tức là tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, có thể sản xuất, cung ứng ra thị trường – cần rất nhiều thời gian và một mình em không thể làm được.
"Khi sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, em đã rất ngạc nhiên về cách tổ chức cuộc thi của họ.
Họ không đặt nặng thành tích, dự án của học sinh là những thứ rất gần gũi, đơn giản, chứ không mang tầm cỡ, vấn đề to tát quá sức học sinh.
Ví dụ như học sinh có ý tưởng làm lò đốt tiết kiệm nhiên liệu, lượng khí thải ít mà lượng nhiệt sinh ra cao. Hoặc đơn giản chỉ dừng ở ý tưởng, giải pháp, chứ không nhất thiết tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh.
Họ chỉ quan trọng học sinh có ý tưởng, chú tâm với khoa học từ nhỏ, có cách nghiên cứu khoa học từ trong trường phổ thông, chứ không nhất thiết tạo ra được sản phẩm hay không, vì đó là việc của các nhà khoa học”- Vũ Hoàng Long chia sẻ.
Với thực tế này, dư luận chỉ mong hãy trả lại sân chơi cho các em, hãy cứ tổ chức các cuộc thi để ươm mầm sáng tạo, để phát hiện ra những học sinh có năng khiếu, tố chất đặc biệt.
Đừng mượn sân chơi của các em để chơi cuộc chơi của người lớn, đừng dạy cho các em sự thiếu trung thực khi mới tập tành nghiên cứu khoa học.
Theo SHTT