Chuyển đổi số Quốc gia và cú hích từ Covid-19
Covid-19 chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với chuyển đổi số quốc gia. Đây là thời điểm thích hợp để bứt phá cho những tham vọng về nền kinh tế số, chuyển đổi số trên quy mô quốc gia.
Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2020 vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố cho biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng internet mới cao nhất khu vực Đông Nam Á với 41% và 94% số người dùng mới này có ý định tiếp tục sử dụng kể cả sau đại dịch.
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập internet cho mục đích cá nhân. Song khi giãn cách xã hội diện rộng, con số này đã tăng lên 4,2 giờ/ngày và hiện tại là 3,5 giờ/ngày. Khảo sát cũng cho hay, cứ 10 người dùng internet tại Việt Nam thì có tới 8 người cho rằng, công nghệ là công cụ rất hữu ích trong thời gian diễn ra đại dịch, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mọi người.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội “trỗi dậy” cho rất nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt và các sản phẩm chuyển đổi số Make in Vietnam của VNPT, Viettel, FPT...
Chuyển đổi số Quốc gia và cú hích từ Covid-19 |
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông Việt Nam năm 2020 với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho rằng chuyển đổi số đã trở thành chủ đề nóng nhất trong chương trình hành động của Chính phủ, tất cả các bộ ngành địa phương, doanh nghiệp (DN), mà yếu tố tiên quyết mang lại thành công chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện. Chuyển đổi số là hy vọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tiến vào danh sách các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Chia sẻ quan điểm này, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, DN công nghệ số VN là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
“DN công nghệ lớn hãy tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để các DN vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo, tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình DN khác nhau”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng nhận định đây là một sự dịch chuyển chưa có tiền lệ, như một chặng đường dài, và đây là lúc người Việt Nam phải kết nối, đi cùng nhau.
'Đối với các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng. Lúc đó, công nghệ số cũng giống như điện, nước, các dịch vụ cơ bản chỉ bình quân vài chục nghìn đồng/người mỗi tháng. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập; giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người", ông Dũng cho biết.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo