Chuỗi cà phê thuần Việt 350 triệu USD về tay “cá mập” nào?
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp tục tích hợp các mảnh ghép chiến lược với thương vụ gần nhất là chuỗi đồ uống được ưa chuộng: Phúc Long.
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa ra thông báo cho biết đã mua 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này. Đây là bước đi để hoàn thiện nền tảng tiêu dùng - công nghệ số 1 tại Việt Nam.
Cụ thể, Masan đã bỏ 110 triệu USD cho 31% cổ phần, tương ứng định giá Phúc Long là 355 triệu USD. Định giá này tương ứng mức P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022. Điều này có nghĩa lợi nhuận ước tính trong năm 2022 của Phúc Long sẽ là khoảng 500 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 5/2021, Masan đầu tư 15 triệu USD vào Phúc Long để mua 20% cổ phần, tương đương định giá 75 triệu USD. Nhưng với thương vụ mới mua thêm 31% cổ phần lần này, giá trị của Phúc Long đã tăng gần gấp 5 lần.
Masan cũng vừa công bố lợi nhuận hợp nhất năm 2021 đạt hơn 88,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), tăng 14,8% so với năm 2020. Doanh thu thuần của quý IV/2021 đạt 23.828 tỷ đồng, tăng 10,3%.
Lợi nhuận sau thuế của Masan tăng gần 7 lần lên mức 8,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của mảng kinh doanh cốt lõi tăng gần 3,6 lần lên 4,4 nghìn tỷ đồng. Nếu tính lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA), Masan đạt con số khổng lồ gần 16,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,6 lần so với 2020.
Dự báo sơ bộ, trong năm tài chính 2022 doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng 22-36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.
Cũng như Masan, trong năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid, nhiều doanh nghiệp ghi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.